Đám cưới như là minh chứng của tình yêu, là lúc bạn tìm được bến đỗ an toàn và bình yên nhất cho cuộc đời mình. Đám cưới có thể coi như một trong những thời khắc trọng đại nhất của cuộc đời. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, không ít cô dâu, chú rể cảm thấy hồi hộp, bối rối và không khỏi lo lắng cho ngày ra mắt quan viên hai họ.


Thật đúng như vậy, có quá nhiều công việc phải lo cho một đám cưới tươm tất, nhưng bạn không phải phát sốt lên như thế, hãy bình tĩnh dành thời gian cho công tác chuẩn bị dưới đây. Ngày cưới, mặc dù bận rộn với khách khứa, tiệc cưới, chúc tụng nhưng hãy tin chắc bạn sẽ rất thoải mái, tự tin và rạng ngời xuất hiện trong ánh mắt chờ đón của bao người.


1. Định ngày, lên kế hoạch cưới

Theo phong tục của người Việt, hôn lễ được tổ chức vào ngày lành tháng tốt sẽ mang lại hạnh phúc, đầm ấm và an bình cho cô dâu, chú rể. Trăm năm chỉ có một ngày, niềm tin này bắt nguồn từ cội rễ ngày xưa nên việc xem ngày thường được bố mẹ hai bên cực kỳ coi trọng. Ngày cưới được chọn dựa trên tuổi của cô dâu, chú rể, và việc đãi tiệc thường được tổ chức vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật để bạn bè, người thân có thời gian đến chung vui hạnh phúc cùng đôi vợ chồng son.

Sau khi chọn được ngày, hai bạn hãy ngồi lại, tưởng tượng ra các công việc cần làm và liệt kê chúng ra một cuốn sổ, sắp xếp tuần tự những công việc được tiến hành theo thứ tự thời gian. Bạn đừng tự tin cho rằng mình sẽ nhớ hết vì chắc chắn rằng giữa bộn bề công việc có thể bạn sẽ quên đi một số chi tiết quan trọng. Chụp hình cưới ư? Lên danh sách khách mời ư? Xem nhà hàng tiệc cưới, thử món ăn ư? Nên bắt đầu từ khi nào? Kinh phí ra sao? Nên chọn mặt gửi vàng ở trung tâm tiệc cưới nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ những công việc này đây?…

2. Dự trù ngân sách, cân nhắc để đầu tư đúng

Dù là đám cưới được tổ chức đơn sơ, giản dị hay một đám cưới rình rang, xa hoa thì việc tiêu tốn một khoản tiền là điều tất nhiên. Nhưng nếu biết tính toán và chi tiêu, hai bạn sẽ không cảm thấy đau đầu về vấn đề này. Chi tiêu nằm trong ngân sách dự trù là cả một thành công lớn trong khâu chuẩn bị và tổ chức tiệc cưới.


Một bảng liệt kê những khoản cần chi tiêu là điều nên làm, giúp bạn cân đối tiền bạc cho nhiều khoản khác nhau, tránh tình trạng dở khóc, dở cười vì lỡ “vung tay quá trán”. Các tân lang, tân nương cũng đừng nên ngại ngần trao đổi với nhau xem nhà anh hỗ trợ được bao nhiêu, của hồi môn bố mẹ trao cho con gái đi lấy chồng bao nhiêu, dự trù khoản tiền mừng của anh em, bạn bè khoảng bao nhiêu để dễ dàng chuẩn bị ngân sách.

Có rất nhiều thứ bạn phải mua sắm từ váy cưới cô dâu, áo vét cho chú rể, đặt thiệp cưới, chụp hình cưới, trang điểm, đặt hoa, đặtnhà hàng cưới, mua nữ trang, thuê MC… Với quan niệm đời người cưới chỉ có một lần, bạn chỉ nên gửi trọn niềm tin những địa chỉ dịch vụ uy tín để được chăm sóc chu đáo. Hãy tham khảo giá cả, dịch vụ cũng như thái độ phục vụ ở nhiều nơi để so sánh, kết hợp với việc tham khảo ý kiến của bạn bè, những người thân trong gia đình chắc chắn bạn sẽ tìm cho mình một điểm hài lòng nhất.

3. Lên danh sách khách mời

Đám cưới của bạn còn là niềm vui và hạnh phúc của đại gia đình, việc lên danh sách khách mời cần huy động nhân sự của hai bên gia đình. Một cuốn sổ để sẵn sàng liệt kê những cái tên và số điện thoại liên lạc là việc nên làm; hãy đưa nó cho bố mẹ, anh chị em và những người bạn thân thiết để kiểm tra xem có vị khách nào bị bỏ sót hay không.

Với những người khách ở quá xa, bạn nên email và gọi điện để mời hoặc báo hỉ. Với những người có thể đưa thiệp tận tay, cũng nên hỏi thăm tế nhị hôm đó họ có thể đến chung vui với hai bạn hay không, nếu có thì họ có thể đi mấy người. Một chút thăm dò nhỏ về sự có mặt của khách mời sẽ giúp bạn dễ dàng ước lượng số khách sẵn sàng đi và số khách mời đang suy nghĩ vì có thể ngày đó họ có đôi chút việc bận.


Thiệp mời là thứ đầu tiên bạn trân trọng trao cho bạn bè, người thân để thông báo ngày hai bạn chính thức về với nhau. Thật sai lầm khi một số người cho rằng nó đơn giản chỉ là tấm thiệp nhỏ làm nhiệm vụ báo tin nên quyết định mua thật nhanh để dành thời gian cho việc khác. Bạn nên cẩn thận hơn trong khâu lựa chọn vì cánh thiệp thể hiện sự tôn trọng khách mời và toát lên gu thẩm mỹ của hai bạn; và hơn hết, khi cầm trên tay tấm thiệp, những vị khách của bạn sẽ cảm nhận được tình cảm, sự chu đáo của chủ nhân và sẽ mong chờ ngày dự đám cưới của hai bạn.

4. Mua sắm

Sau ngày cưới, trước mắt hai bạn là cả một thế giới hoàn toàn riêng tư. Hãy thư giãn để tận hưởng những phút giây lãng mạn chỉ có hai người trên chiếc giường thơm mùi vải mới. Có rất nhiều lựa chọn cho chiếc giường mới, bạn có thể đặt đóng với loại gỗ tốt hoặc đặt mua với nhiều kiểu dáng phong phú; thêm một bộ chăn, ga, gối đệm nữa thì đây sẽ là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi. Những đồ dùng cá nhân cho nhu cầu hàng ngày như mỹ phẩm, đồ làm bếp, đồ điện tử, đồ điện lạnh cũng nên được chú ý.


Trong thời gian này, các bạn phải chi tiêu rất nhiều để chuẩn bị cho đám cưới nên việc mua sắm cho cuộc sống tương lai có thể cần hạn chế và tiết kiệm đến mức có thể. Hãy đợi đến sau tuần trăng mật, khi mọi thứ đã dần ổn định, hai bạn có thể thoải mái lựa chọn những thứ mình thích.

5. Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân

Ở Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ bắt buộc đối với trường hợp kết hôn với người nước ngoài; trong trường hợp hai người Việt kết hôn với nhau, vấn đề này chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, tự giác. Chính sự chủ quan này đã làm cho không ít cặp vợ chồng thực sự đau khổ, có người còn có cảm giác bị lừa dối ngay trong đêm đầu tiên ở cùng nhau. Cuộc sống vợ chồng chỉ thực sự hạnh phúc khi hai bạn có sự đồng điệu về tinh thần và hòa hợp về thể xác. Đừng ngại, đừng lo lắng hay cảm thấy không tin tưởng nhau khi nhận được lời “rủ rê” của nửa kia đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.

6. Đăng ký kết hôn

Để được pháp luật công nhận là vợ chồng, trước khi tiến hành lễ cưới, một thủ tục quan trọng mà hai bạn không thể bỏ qua là đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn. Có rất nhiều người xem nhẹ việc này, bởi họ quan niệm đơn giản rằng tình cảm giữa hai người mới quan trọng, còn giấy đăng ký kết hôn cũng chỉ là tờ giấy một khi tình yêu của hai người không còn nữa. Hệ lụy của lối suy nghĩ này là một loạt các tranh chấp về quan hệ vợ chồng, con cái và tài sản khi cuộc sống chung không êm ấm.

7. Ngọt ngào trăng mật

Dù bận rộn đến đâu thì hai bạn cũng nên dành thời gian cho nhau để tận hưởng niềm vui bất tận, những phút giây ngọt ngào, lãng mạn và hoàn toàn riêng tư. Bạn muốn một đêm hòa quyện vào nhau giữa tiếng sóng biển hay lãng mạn, nhẹ nhàng và gần gũi giữa cánh đồng quê yên ả? Hãy nhấc điện thoại lên và liên hệ với một công ty du lịch để được tư vấn thêm các điểm đến và giá cả dịch vụ ở đó. Đừng quên chuẩn bị túi hành lý đã sẵn sàng đầy đủ vật dụng cho cả hai người trước chuyến đi.

8. Một tuần trước khi cưới

Hai bạn hãy gọi lại cho khách mời để xác nhận lại sự có mặt của họ tại tiệc cưới, trao đổi với dịch vụ tổ chức tiệc cưới để kiểm tra tiến độ công việc chuẩn bị, và cũng đừng quên gọi động viên và lưu ý công việc cần làm với những người bạn đã đồng ý phụ giúp cô dâu, chú rể trong ngày cưới.

Sau thời gian dài lo lắng, chạy khắp nơi để chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời mình, bạn hãy dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

Ngày cưới, mọi ánh mặt hầu như tập trung chủ yếu vào cô dâu và chú rể, hai bạn nên chú ý chăm sóc làn da và mái tóc. Cô dâu nên chăm chút hơn đến móng tay, móng chân, thử lại chiếc áo dài hay váy cưới xem nó có vừa khít không để còn kịp chỉnh sửa. Cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, bởi sự mệt mỏi hay cáu gắt sẽ làm cho đôi mắt kém long lanh và khuôn mặt không tươi tỉnh. Trước khi đến lễ cưới, chủ nhân của bữa tiệc nên chú ý chăm sóc đến dạ dày của mình để đảm bảo sức khỏe trước khi ra mắt mọi người nữa nhé.