Chỉ với một chiếc máy tính có nối mạng, người dân có thể cập nhật được toàn cảnh diễn biến, cảnh báo, cách phòng ngừa… khi có các loại dịch bệnh xảy ra.
Màu càng đậm, dịch càng nguy hiểm
Phần mềm kể trên đã được GS.TS Vũ Đức Thi, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin nghiên cứu ứng dụng thành công. Theo GS.TS Vũ Đức Thi, quy trình cảnh báo dịch bệnh hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng điện thoại hoặc văn bản với chu trình khá phức tạp. Thông tin đến được với người dân phải trải qua nhiều khâu.
Trong 24 giờ kể từ khi phát hiện các bệnh, hội chứng thuộc diện kiểm dịch quốc tế, các bệnh truyền nhiễm thuộc diện quản lý, các bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân có số mắc hoặc tử vong cao bất thường tại địa phương, các cơ sở y tế phải báo cáo khẩn cấp lên cơ quan cấp trên. Báo cáo nêu rõ thời gian, địa điểm, số trường hợp mắc, số trường hợp tử vong đồng thời báo cáo việc triển khai các biện pháp chống dịch, sau đó tiếp tục báo cáo hàng ngày về diễn biến tình hình cho đến khi hết dịch.
Để có thể thống nhất được việc quản lý trên phạm vi cả nước về phòng chống bệnh truyền nhiễm, hệ thống sử dụng công nghệ website để thiết kế, cơ sở dữ liệu sẽ tập trung tại một đầu mối là Cục Y tế dự phòng. Hệ thống cho phép phân quyền cho từng đơn vị ở từng cấp khác nhau. Mỗi đơn vị được cấp các quyền để thực hiện truy cập dữ liệu tương ứng với cấp của mình như nhập dữ liệu, xem dữ liệu, sửa dữ liệu, lập báo cáo thông tin thuộc đơn vị mình quản lý.
GS.TS Vũ Đức Thi cho biết, trong hệ thống này, các đơn vị nhập dữ liệu báo cáo của đơn vị mình quản lý. Thông qua môi trường internet, dữ liệu này sẽ được cập nhật vào máy chủ đặt tại Cục Y tế dự phòng Việt Nam. Đối với những dữ liệu cập nhật từ dưới thì cấp trên hoàn toàn không phải cập nhật lại mà chỉ cập nhật những thông tin mới thuộc cấp mình quản lý. Chỉ thị màu trên màn hình sẽ cho biết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Giả sử đối với dịch cúm gia cầm thì được phân chia làm 3 cấp: trên 2000 con mắc bệnh là cấp cao nhất, cấp thứ 2 là 1000-2000 con, cấp thứ 3 là dưới 1000 con. Màu sắc hiển thị theo chiều nhạt dần từ cao xuống thấp.
Qua phần mềm, người dân còn được tìm hiểu cách phòng chống dịch bệnh.
Tư vấn cách phòng dịch
Để tránh các sự cố về dữ liệu như đĩa hỏng, mất điện, quá tải... làm cho hệ thống bị đình trệ hoặc không thể đáp ứng nhu cầu của người dùng, người dùng có thể sử dụng chính các hệ quản trị CSDL để thực hiện chức năng sao lưu dữ liệu tự động hoặc bán tự động. Ngoài việc đưa ra cảnh báo về dịch bệnh, phần mềm cũng đưa ra nhiều nội dung kèm theo gồm các thông tin liên quan về dịch bệnh đó như khả năng lây nhiễm, cách phòng tránh lây nhiễm, cách dập dịch, dự báo xu hướng tăng hoặc giảm của dịch...
Kết quả triển khai ở một số địa phương cho thấy phần mềm hoàn toàn có thể được nhân rộng ở các địa phương, hình thành mạng lưới cảnh báo dịch bệnh. Khi không có dịch bệnh, phần mềm sẽ cập nhật các kiến thức vệ sinh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe, các dấu hiệu nhận biết dịch bệnh.
Điều khiến GS.TS Vũ Đức Thi băn khoăn là dù đã có kết quả nghiên cứu rất khả quan, có thể trợ giúp cho nhân viên y tế một cách đắc lực trong việc tuyên truyền thông tin về dịch bệnh, nhưng việc ứng dụng nó theo cách nhân rộng sang các địa phương khác gặp nhiều khó khăn. Kinh phí để đầu tư máy tính, mạng internet là không lớn bởi vì gần như hạ tầng địa phương nào cũng có. Chỉ cần cài đặt phần mềm chạy chung vào hệ thống là có thể cập nhật được thông tin. Tuy nhiên, đa số địa phương vẫn chọn cách thông tin cũ là qua điện thoại hoặc báo cáo tình hình dịch bệnh bằng văn bản. Hệ quả là nhiều nơi tồn tại tình trạng báo cáo chậm, giấu dịch, hoặc khi báo cáo gửi đến nơi thì tình hình diễn biến dịch bệnh đã khác nhiều.