Sản phẩm Đèn LED (viết tắt của Light emitting diode tức đi-ốt phát quang) ngày càng được tiêu thụ mạnh tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc nhờ ưu điểm tiết kiệm năng lượng, ánh sáng mạnh và tuổi thọ cao, lại có nhiều ứng dụng như làm đèn xe, đèn đường, màn hình điện thoại di động.
Tại Việt Nam, từ chỗ chủ yếu dùng cho biển quảng cáo ở sảnh chờ các khách sạn, bệnh viện hay đèn giao thông, đến nay, đèn Led còn được dùng để làm trang trí nội - ngoại thất.
Cầu vượt quá xa cung
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Mỹ iSuppli cho thấy, thị trường đèn Led toàn cầu đang có tình trạng cầu vượt quá xa cung. Biểu hiện cụ thể là chỉ trong 2 năm (2007- 2009), lượng tiêu thụ chip Led tăng từ 57 triệu lên 63 tỉ chip. Trong khi ngành công nghiệp Led dự kiến đáp ứng được khoảng 75 tỉ chip/năm. iSuppli cảnh báo, với tỉ lệ tăng trưởng phần trăm tới 2 con số trong ít nhất 3 năm tới (tính từ 2010), khả năng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung chip Led có thể xảy ra ngay trong năm nay.
Đối với Việt Nam, báo cáo từ Dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao của Viện Khoa học và Công nghệ cho thấy, mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện gấp 3 lần so với 10 năm trước và những năm tiếp theo sẽ tăng 16-17%/năm, trong khi nguồn tài nguyên sản xuất năng lượng giá rẻ dần cạn kiệt. Nếu sử dụng đèn Led để chiếu sáng thay các bóng đèn compact, huỳnh quang, sợi đốt đang sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được ít nhất 40% điện tiêu thụ cho toàn hệ thống đèn chiếu sáng.
Ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Kim Đỉnh (chuyên sản xuất và phân phối thiết bị điện) nhận định, thị trường bóng đèn Led của Việt Nam có thể đạt giá trị tới cả ngàn tỉ USD và đến năm 2020, đèn Led sẽ chiếm 50% thị trường thiết bị chiếu sáng.
Với 50 năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị chiếu sáng, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã xác định chiến lược kinh doanh 5 năm tới là phát triển sản phẩm đèn Led. Công ty đã bắt tay với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghệ và Dịch vụ (Viện Khoa học và Công nghệ) để cho ra đèn Led mang thương hiệu CTDAS - Ralaco.
Tìm con đường ngắn nhất
Mặc dù được dự báo sẽ bùng nổ tại thị trường Việt Nam vào năm 2010, các công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng Việt Nam cũng nhanh chóng hợp tác với công ty nước ngoài trong lĩnh vực này, nhưng cho đến nay, việc sản xuất bóng đèn Led mới chỉ dừng lại ở nhập công nghệ và lắp ráp, đóng gói sản phẩm.Mục đích của việc hợp tác trên là nhằm nâng cao tỉ lệ đèn Led nội địa nhưng để làm được điều đó, các Công ty phải nghiên cứu và phát triển nhằm tối ưu hóa chất lượng, đưa ra mức giá cạnh tranh.
Hiện nay, 90% đèn Led trên thị trường là hàng Trung Quốc với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau. Chẳng hạn, loại dùng trang trí khu vui chơi, giải trí có giá tương đối rẻ, từ 30.000-150.000 đồng/cái. Trong khi đó, giá trung bình của đèn Led Hàn Quốc, Nhật cao hơn gấp 2-3 lần. Theo đại diện của Điện Quang, những sản phẩm Trung Quốc chắc chắn không qua kiểm định.
Cũng theo nghiên cứu của Điện Quang, khi thu nhập bình quân đầu người đạt 1.500 USD/năm thì người dân mới có nhu cầu dùng đèn tiết kiệm điện như compact nhiều. Đối với đèn Led, thu nhập ít nhất phải từ 3.000-5.000 USD/người/năm. Tuy vậy, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2010 thu nhập bình quân chỉ đạt 1.000-1.100 USD/người/năm. Đó là lý do để Điện Quang xác định thời gian tới chỉ nghiên cứu, lắp ráp những sản phẩm Led phù hợp với thị trường Việt Nam chứ chưa tự sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hóa điện hóa, nhận định, việc chưa có công nghệ Led (chế tạo chip, các bộ nguồn...) khiến Việt Nam chưa thể sản xuất đèn Led phổ biến, ít nhất cũng phải 3-5 năm nữa. Những nước phát triển mạnh sản xuất đèn Led là nhờ được chính phủ hỗ trợ vốn dài hạn và nghiên cứu công nghệ.
Và con đường ngắn nhất để hấp thu công nghệ Led, theo ông Khải, là đầu tư dây chuyền công nghệ song song với liên kết lắp ráp và tranh thủ đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật. Hơn nữa, do đi sau nên phải làm được sản phẩm tốt, giá cạnh tranh mới mong đứng vững