Ưu tiên tuyển lao động Việt Nam
Gần đây, một số hiệp hội doanh nghiệp và phòng công nghiệp nước ngoài đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và một số cơ quan ban ngành, cho rằng Nghị định 46/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2008/NĐ-CP về tuyển dụng lao động nước ngoài) mâu thuẫn với Bộ luật Lao động Việt Nam, và hiệp định quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ (BTA). vieclamdongnai
Doanh nghiệp nước ngoài phản đối quy định mới về lao động
Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xoay quanh một số thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
TBKTSG Online: Thưa ông, doanh nghiệp nước ngoài cho rằng trong khoản 3 điều 1 của Nghị định 46 mâu thuẫn với BTA vì yêu cầu công ty nước ngoài đăng tuyển người Việt Nam trước ít nhất 30 ngày, rồi mới được tuyển người nước ngoài. Trong khi đó, trong BTA, các công ty Mỹ có quyền tuyển dụng các nhân viên quản lý hàng đầu do họ lựa chọn, bất kể quốc tịch nào.
- Ông Lê Quang Trung: Trong nghị định 34 đã yêu cầu về việc đăng tuyển trước 30 ngày, bây giờ chỉ nói rõ hơn là tuyển người Việt Nam vào vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài. Mục đích là ưu tiên tuyển lao động Việt Nam, nếu không có lao động Việt Nam thì mới tuyển lao động nước ngoài.
Thực ra tại một số nước cũng có chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động trong nước mình, khi không thể tuyển được thì mới tính đến lao động nước ngoài. Cụ thể, tại các nước châu Âu, như Anh yêu cầu trong 4 tuần, Hà Lan yêu cầu 4- tuần người sử dụng lao động phải quảng cáo trên bưu điện và thông báo với cơ quan chức trách lao động của quốc gia ấy về việc sử dụng lao động trong nước trước khi tuyển lao động nước ngoài. EU cũng yêu cầu chỉ tuyển dụng lao động nhập cư khi không tìm được lao động ở EU. Các nước trong EU đều có giới hạn về tỷ lệ tuyển dụng người nước ngoài.
Hiệp định quan hệ BTA tại điều 8 có nêu nhập cảnh tạm trú và tuyển người nước ngoài phải phù hợp với pháp lệnh về nhập cảnh và tạm trú của người nước ngoài. Mỗi bên cho phép các công dân và công ty của bên kia lưu chuyển nhân viên thuộc mọi quốc tịch để phục vụ cho hoạt động trong trường hợp những nhân viên này là những người điều hành hoặc quản lý hay có những kiến thức đặc biệt quan trọng đến hoạt động của họ.
Như vậy, trong hiệp định cho phép việc lưu chuyển nhân viên thuộc mọi quốc tịch và Nghị định 46 cũng không cản trở điều này. Nghị định chỉ quy định đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài, việc làm này như tôi đã đề cập là để ưu tiên lao động Việt Nam.
Nghị định 46 có mâu thuẫn với Bộ luật Lao động không khi trong nghị định yêu cầu công ty muốn gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài phải nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa công ty và lao động Việt Nam thay thế vị trí của người nước ngoài, trong khi Luật không đòi hỏi loại giấy tờ này?
- Bộ Luật Lao động quy định công ty tuyển người nước ngoài phải có chương trình kế hoạch đào tạo người Việt Nam thay thế. Trong Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, có yêu cầu nộp hợp đồng học nghề để chứng minh công ty đã có kế hoạch và chương trình thực hiện việc đào tạo nghề cho người Việt Nam thay thế. Việc quy định rõ như trên chỉ là để chứng minh họ có đào tạo nghề cho người Việt Nam.
Một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã không được lấy ý kiến liên quan đến Nghị định 46, nên họ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề lao động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thực hiện theo đúng trình tự thủ tục khi dự thảo nghị định này. Dự thảo của bộ đã được gửi lấy ý kiến các bộ các ngành, trong đó có lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). VCCI sẽ gửi cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 28-4-2010 và 3-6-2010 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam về các nội dung kiến nghị và giải thích các vấn đề này.
Dự thảo nghị định cũng đã đăng trên website của bộ để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân. Hiện bộ đang thu thập ý kiến của các ban ngành để ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định.
Như vậy, điểm thay đổi trong Nghị định 46 là gì, có khắc phục được những bất cập của Nghị định 34?
- Nghị định 46 có năm điểm mới là: 1. cho các hội, hiệp hội được tuyển lao động nước ngoài vào làm việc; 2. đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người đã được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam và giấy phép vẫn còn hiệu lực; 3. quy định rõ hơn cho việc thực hiện các giấy tờ liên quan đến chứng nhận trình độ chuyên môn, như phi công, bảo dưỡng máy bay, cầu thủ bóng đá...; 4. giúp rút ngắn thời gian gia hạn giấy phép; 5. giao trách nhiệm cụ thể cho nhà thầu, chủ đầu tư trong việc sử dụng người nước ngoài.
Những điểm mới này, theo tôi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có tay nghề được làm việc tại Việt Nam.
|