Được giới thiệu tại CES 2015, Monorover R2 là phiên bản tiếp theo của chiếc xe điện 1 bánh tự cân bằng ra mắt từ năm 2014 đang được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng bởi tính cơ động và cách điều khiển độc đáo.
Bánh xe thực chất bao gồm luôn các cuộn dây bên trong đóng vai trò như phần xtato của động cơ điện cơ bản. Vì vậy mà khi hoạt động bánh xe sẽ ấm lên.
Phiên bản thứ 2 của chiếc xe này được thiết kế theo dạng một chiếc ván trượt nhưng có bánh nằm ngang và dùng mạch điện tử để tự cân bằng khi người dùng đứng trên nó.
Phía trước mặt của xe là 2 cụm đèn led dùng để báo hiệu hướng đi đồng thời cũng dùng để chiếu sáng khi di chuyển trong bóng tối.
Nhìn từ trên xuống chúng ta sẽ thấy 2 tấm đệm cao su vừa là "nút" điều khiển của Monorover R2.
Cấu tạo của Monorover R2 thực chất là 2 "miếng ván" được nối với nhau bằng một trục giữa và 2 tấm ván có thể xoay tương đối với nhau 1 góc nhỏ, thực chất nhà sản xuất khóa góc xoay này của xe nhằm mục đích chống xoắn dây khi dây điện bên trong đều đi qua 1 trục ở chính giữa để truyền tới động cơ.
Chốt thép cài vào giữa 2 cổ trục để hạn chế xoay 360 độ dẫn đến xoắn dây bên trong.
Xe điện Monorover R2 được điều khiển dựa vào 2 bàn đệm cao su, chính là nơi mà người dùng đứng lên, bên dưới lớp cao su lót này là một công tắc điều khiển 3 trạng thái được trải đều trên 3 vị trí mũi chân, lòng bàn chân và gót chân. Chính vì thế người dùng có thể điều khiển xe bằng cách nhún chân về phía trước để tiến lên hoặc ngửa người ra sau để lùi lại.
Mở nắp của chiếc Monorover R2 chúng ta có thể thấy rõ toàn bộ linh kiện bên trong xe được đặt trong một hộp kim loại lớn (có thể là Kẽm) vừa là chỗ để lắp đặt linh kiện vừa trở thành quả nặng để tăng trọng lượng giúp xe chạy đầm hơn.
Mạch điện được bố trí bên trong 1 khối Kẽm (phần màu xám) dày và nặng.
Thêm vào đó, lớp vỏ kim loại của Monorover R2 cũng đóng vai trò tương tự như 1 tấm lá chắn bảo vệ toàn bộ nội quan bên trong xe khi xe phải hoạt động ở những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Lớp vỏ nhựa bên ngoài khá dày và bền dù liên tục va chạm với mặt đường nhưng vỏ xe cũng chỉ bị xước mà không vỡ nát.
Mạch điện bên trong xe chủ yếu chỉ có một cảm biến con quay hồi chuyển để xác định vị trí cân bằng của xe khi sử dụng và một bộ pin năng lượng lớn.
Nguồn điện cấp cho Monorover là 1 khối pin lớn gồm khoảng 20 cell Pin 18650 vẫm được sử dụng trong Laptop và các loại Pin dự phòng.
Toàn bộ hoạt động của xe được duy trì bằng 1 bộ Pin lớn có điện áp 36V và dung lượng tới 4400mAh. Theo tính toán thì công suất của toàn bộ nguồn năng lượng cung cấp cho Monorover R2 lên tới 158W tương đương khoảng 1/6 công suất của một viên Pin xe đạp điện thông dụng hiện nay, với công suất này Monorover R2 có thể chạy liên tục trong điều kiện bình thường tới 20Km.
Bộ sạc sử dụng dòng điện sạc 42V - 2A. Theo nhà sản xuất công bố thì bộ sạc này sẽ sạc đầy cho Monorover R2 trong khoảng 120 phút.
Chính vì có đường kính bánh khá nhỏ và gầm xe cũng rất thấp nên Monorover R2 chỉ phù hợp để đi trên các bề mặt bằng phẳng không gồ ghề như các trung tâm thương mại hoặc công viên không phù hợp dùng di chuyển trên các đoạn đường có nhiều ổ gà.
Thực chất, động cơ của Monorover R2 đủ sức để người chơi có thể leo lên các mặt phẳng dốc khoảng 20 độ một cách dễ dàng nhưng do thiết kế chạy bằng 2 bánh song song nên chỉ cần 1 bánh gặp phải chướng ngại vật dẫn tới giảm tốc là đủ để chiếc xe 2 bánh này bị nghiêng và nếu người chơi giữ thăng bằng kém thì sẽ ngã ngay lập tức.
Mặc dù theo đánh giá của những người đã dùng Monorover R2 thì chiếc xe này khá dễ điều khiển và tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển giống như đang... bay trên mặt đất. Nhưng trên thực tế bất cứ ai lần đầu chạm chân vào Monorover R2 cũng phải ngã ngay bởi chưa quen với cảm giác giữ thăng bằng của xe.
Hiện tại Monorover R2 đang được bán tại Việt Nam với mức giá giao động từ 8 đến 10 triệu đồng và nhanh chóng tạo thành một trào lưu mới tồn tại song song với các loại Patin và ván trượt ngày nay.
Cảm ơn xedienthongminh.vn đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!