Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Hội đồng Tiền lương Quốc gia thị sát đời sống công nhân
Ngày 17/7/2016, Đoàn công tác của Hội đồng Tiền lương Quốc gia do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thị sát tình hình đời sống, việc làm, nơi ở của công nhân một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trước phiên họp của Hội đồng nhằm xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới. Cùng đi với Thứ trưởng còn có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Tại KCN Bắc Thăng Long, Thứ trưởng Phạm Minh Huân và Đoàn công tác đã tới thăm các công nhân đang sinh sống tại khu nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Theo đại diện Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Sở Xây dựng Hà Nội), khu nhà ở có tổng diện tích sử dụng đất 20 ha với 24 đơn nguyên gồm 1.084 phòng, có thể phục vụ gần 1 vạn chỗ ở, hiện nay đã lấp gần đầy, phục vụ công nhân thuê trọ đến từ hai Công ty Panasonic và Yamaha Việt Nam.
Trực tiếp kiểm tra điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi các công nhân tại các căn hộ khép kín, Thứ trưởng Phạm Minh Huân và các thành viên hỏi thăm thu nhập, thời giờ làm thêm và tâm tư nguyện vọng một số công nhân. Chị Trịnh Thị Anh (26 tuổi), đang làm tại Công ty Panasonic Việt Nam, quê tại Thái Nguyên cho biết, chị vào làm tại công ty được 7 năm, mức lương hàng tháng đạt 5,4 triệu đồng. “Mỗi phòng ở ký túc xá gồm 3 đến 4người, diện tích 30 mét vuông ở khá thoải mái, thoáng mát, không gò bó, chật chội như đi thuê bên ngoài. Phòng có chỗ nấu ăn, khu vệ sinh, được trang bị ti vi. Với công nhân ngoại tỉnh như tôi, điều kiện nghỉ ngơi như vậy rất tốt, chỉ mong công ty phát triển, chúng tôi được làm thêm giờ, thêm thu nhập…”- chị Trịnh Thị Anh bày tỏ.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân trò chuyện với anh Hồ Hải Vân, công nhân Công ty Yamaha Việt Nam
Tại khu nhà cao tầng CT4A, Thứ trưởng Phạm Minh Huân và Đoàn công tác đã tới thăm một số hộ gia đình, trong đó có gia đình anh Hồ Hải Vân (26 tuổi) quê tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hai vợ chồng anh Vân đang làm tại Công ty Yamaha Việt Nam, có một con gái gần 3 tuổi, tổng thu nhập hai vợ chồng đạt 18 triệu đồng/tháng. “Nhà ở có 3 phòng, được thuê với giá 1,4 triệu đồng/tháng, công ty hỗ trợ mỗi công nhân 200 nghìn đồng/tháng thuê nhà. Khu nhà thoáng mát, sạch sẽ, thang máy rộng, có sân cho các cháu nhỏ vui chơi, vợ chồng em yên tâm làm việc không phải lo lắng như đi thuê trọ bên ngoài…” - anh Hồ Hải Vân tâm sự. Theo đại diện Ban quản lý khu nhà ở công nhân, mới đây Công an TP Hà Nội đã tới tận nơi làm hộ khẩu cho các công nhân, do vậy con em của họ đến tuổi đi học, đều được vào học tại các trường mẫu giáo, tiểu học gần nơi cư trú.
Khu ký túc xá của Công ty Samsung Việt Nam tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh)
Thị sát nơi ở của công nhân tại KCN huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Đoàn công tác của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tới thăm khu ký túc xá của Công ty điện tử Samsung Việt Nam. Tại đây, Thứ trưởng Phạm Minh Huân và Đoàn công tác bày tỏ vui mừng khi thấy nơi ở của các công nhân thoáng mát, phòng ở được trang bị giường tầng, có quạt mát, đầy đủ các phòng chức năng: xem tivi, tập gym, dịch vụ làm đẹp, khu tắm nóng lạnh tiêu chuẩn, phục vụ cho 4.500 công nhân, mỗi công nhân chỉ phải trả 50 nghìn đồng/tháng tiền điện nước sinh hoạt.
Trò chuyện với Thứ trưởng Phạm Minh Huân và các thành viên trong Đoàn công tác, các công nhân cho biết, thu nhập trung bình của mỗi lao động tại Công ty Samsung đạt hơn 8 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ có thể đạt gần 10 triệu đồng/tháng. “Đây là một mô hình kiểu mẫu về chăm lo đời sống, sinh hoạt cho người lao động của Công ty Samsung Việt Nam. Rất mong Ban lãnh đạo công ty tiếp tục duy trì và đầu tư xây dựng thêm nhiều ký túc xá cho thêm nhiều công nhân ngoại tỉnh đến ở trọ, để họ yên tâm lao động…”- Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân trò chuyện với một công nhân thuê nhà trọ ở thôn Yên Lãng (huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Trong khi điều kiện sinh hoạt của công nhân ở khu ký túc xá kiểu mẫu tại Công ty Samsung Việt Nam khá lý tưởng, thì vẫn còn hàng vạn công nhân phải đi thuê trọ trong các căn hộ khoảng 5-10 mét vuông tại thôn Yên Lãng, huyện Yên Phong. Với giá thuê phòng hơn 1 triệu đồng/tháng cho 3 đến 4 người, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, đặc biệt với các công nhân đã có gia đình riêng, đang nuôi con nhỏ. Sau khi thị sát các căn hộ chật chội, nóng bức, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đề nghị Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét đầu tư xây dựng thêm nhiều khu nhà ở xã hội để các công nhân thuê, giúp họ yên tâm làm việc.
“Đây là vấn đề Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm. Mặt bằng thu nhập chung của công nhân, tại nhiều KCN của cả nước còn thấp, lo cho đời sống người lao động không chỉ xem xét tăng thu nhập hàng năm, mà còn phải xét các yếu tố hoạt động của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Chúng tôi cũng rất trăn trở khi đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu và có chính sách đồng bộ hơn về an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn để có thêm nhiều các khu nhà ở xã hội cho người lao động, giúp họ bớt khó khăn, yên tâm làm việc. Đây cũng là những nội dung sẽ được bàn bạc, thảo luận tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tới đây...” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ sau cuộc khảo sát.
Đoàn công tác Hội đồng Tiền lương Quốc gia chụp ảnh cùng Ban giám đốc và Ban quản lý ký túc xá Công ty Samsung Việt Nam
Được biết, hiện nay Tập đoàn Samsung Electronics đã triển khai 2 dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung tại 2 tỉnh Bắc Ninh (SEV) và tỉnh Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư là 7,5 tỷ USD. Trong năm 2015, doanh thu tại 2 khu tổ hợp này đạt khoảng 26,6 tỷ USD (trong đó SEV đạt 18,81 tỷ USD và SEVT đạt 7,8 tỷ USD), chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên.
|