Theo kết quả khảo sát mới nhất về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 6,15 triệu đồng, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nước ngoài là 5,09 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước 4,99 triệu đồng, khu vực cá thể là 3,66 triệu đồng và thấp nhất là khu vực hợp tác xã 2,84 triệu đồng.
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi lễ Công bố Bản tin cập nhập thị trường lao động Việt Nam quý 2 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê tổ chức sáng ngày 30/10 tại Hà Nội.
Lý giải việc kết quả khảo sát lương của lao động cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức lương cao nhất, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là khu vực tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn các khu vực khác, chỉ sau quản lý nhà nước và dịch vụ công. Do tiền lương phản ảnh song song với trình độ chuyên môn kỹ thuật nên khu vực này có mức lương bình quân cao hơn các khu vực còn lại.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, các doanh nghiệp nhà nước có thang lương bảng lương chuẩn hơn nên thống kê đầy đủ thu nhập hơn các khu vực khác. Đặc biệt, mô hình tiền lương độc quyền trong doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân của mức lương khu vực này cao. Công thức tiền lương hiện nay trong doanh nghiệp nhà nước là doanh thu tổng sản phẩm tăng lên thì tiền lương tăng lên. Trong khi đó, doanh thu tổng sản phẩm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Đầu tư của nhà nước, giá thành sản phẩm… những yếu tố này tăng thì doanh thu tăng nhưng chưa chắc hiệu quả kinh tế tăng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh, việc tiền lương của doanh nghiệp nhà nước phải ở mức cao không nên ở mức thấp vì nó phản ảnh hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên phải bỏ độc quyền trong mô hình xác định tiền lương để tiền lương phản ánh đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát tại bản tin, thu nhập bình quân tháng của lao động theo nhóm nghề phản ánh song song với trình độ chuyên môn. Nhóm có mức tiền lương cao là lãnh đạo (7,3 triệu đồng) và lao động chuyên môn kỹ thuật cao (6,51 triệu đồng). Nhóm có mức lương trung bình là lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung (4,78 triệu đồng), thợ vận hành máy (4,68 triệu đồng), nhân viên (4,25 triệu đồng) và thợ thủ công (4,11 triệu đồng). Nhóm có mức lương thấp hơn là nhân viên dịch vụ cá nhân (3,77 triệu đồng), lao động kỹ thuật trong nông nghiệp (3,78 triệu đồng) và lao động giản đơn (3 triệu đồng).
Trong quý 2, thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435.000 đồng (giảm 8,9%), lao động nữ vẫn có thu nhập thấp hơn song mức giảm lại cao hơn lao động nam (tương ứng 576.000 đồng và 334.000 đồng).
Thu nhập của lao động thành thị (giảm 464.000 đồng) giảm nhiều hơn nông thôn (351.000 đồng). Theo nghề, thu nhập ở các nghề đều giảm. Theo hình thức sở hữu, thu nhập của lao động trong doanh nghiệp nhà nước có mức giảm nhiều nhất, giảm 700.000 đồng (10%) so với quý 1./.