Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Chuyển biến trong đào tạo nghề lao động nông thôn ở Bắc Ninh
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Chính phủ triển khai được hơn hai năm đem lại nhiều nét mới cho diện mạo nông thôn. Một trong những hoạt động hiệu quả là Bắc Ninh đã khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp giúp nhanh chóng tạo ra thu nhập cho người lao động, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hiện Bắc Ninh có 51 cơ sở đào tạo nghề, năm 2012, sẽ phát triển thêm 3 cơ sở dạy nghề mới. Từ 1997-2011, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 187.500 lao động. Riêng 2011 là 1.382 lao động trình độ cao đẳng; 1.840 trung cấp và 25.109 sơ cấp; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 70%. Dự kiến năm nay đào tạo được 12.000 LĐNT.
Chuyển biến nhận thức về dạy và học nghề.
Đào tạo nghề cho LĐNT hiện được định hướng gắn kết với phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài đào tạo đại trà toàn tỉnh, thì đào tạo nghề theo chiều sâu lại hướng vào lao động thuộc các xã đang xây dựng nông thôn mới. Các ngành nghề đều gắn liền với đời sống, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu chí của tỉnh là phải có việc làm sau khi được học nghề, tạo điều kiện để người lao động cải thiện kinh tế hộ, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Sở Lao động-Thương binh amp; Xã hội đã, đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, cơ sở dạy nghề mở rộng thêm các ngành nghề đào tạo cho người lao động. Mục tiêu chung là trang bị kiến thức, kỹ năng nghề và nhận thức, thái độ làm việc cho LĐNT. Từ đó giúp họ tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Mỗi ngành nghề đào tạo đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và phù hợp nhu cầu của người lao động. Tùy theo đặc điểm kinh tế từng vùng để phát triển những ngành nghề phù hợp. Đối với những người trình độ học vấn thấp sẽ tổ chức truyền nghề thông qua hình thức kèm cặp, chỉ việc bảo đảm người lao động học được nghề, sau khóa đào tạo có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Các cơ sở dạy nghề tích cực liên hệ tuyển sinh và tổ chức các lớp dạy nghề. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng không ngừng liên kết, nâng cao hiệu quả đào tạo. Trung tâm giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh khi thực hiện Đề án 1956 đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tuyển sinh các lớp đúng nguyện vọng, đối tượng lao động. Trung tâm mở được 24 lớp với gần 800 lao động làm các nghề mây, tre đan xuất khẩu; chăn nuôi-thú y; may công nghiệp; thêu ren...
Tại các lớp mây tre đan, Trung tâm thường linh hoạt cân đối ngân sách hỗ trợ, nguyên vật liệu để đào tạo từ 3-5 học viên đã quá tuổi lao động.
Ông Quách Văn Toàn, cán bộ Đào tạo của Trung tâm cho biết: Đây là nghề có thể tận dụng thời gian và sức lao động, vì vậy khi mở các lớp đào tạo thường có người quá độ tuổi cũng xin đến học. Đối với các lớp học nghề nông nghiệp, các học viên sau khi tốt nghiệp đã áp dụng được vào thực tế, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi. Với các lớp chăn nuôi thú y các học viên học xong đã có thể tự phát triển tại nhà, tiết kiệm được chi phí chữa, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Học viên may công nghiệp được giới thiệu vào các công ty, doanh nghiệp ngay tại địa phương với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Việc đào tạo nghề cho LĐNT đang ngày càng được đẩy mạnh. Trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, từng bước xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các ngành, địa phương chú trọng công tác khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động còn thiếu để có cơ sở mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, đồng thời quy hoạch mạng lưới dạy nghề lên 54 cơ sở, một số trung tâm dạy nghề được nâng cấp và bổ sung trang thiết bị giảng dạy.
Có nghề tìm việc làm không khó.
Ở nông thôn hiện nay, nhất là các vùng chuyển đổi nhiều ruộng đất nông nghiệp vẫn còn một bộ phận người dân thiếu việc làm hoặc việc làm bấp bênh. Nguyên nhân chính là do họ chưa được đào tạo, học nghề một cách bài bản. Thực tế cho thấy, khi một người đã có nghề, chuyện tìm kiếm việc làm ổn định là không khó, bởi việc làm ở nông thôn đang phát triển khá phong phú, đa dạng. Nhiều học viên, sau khi tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn do các trường cao đẳng, trung cấp và các cơ sở dạy nghề tổ chức đều tự tin, phấn chấn hơn.
Bà con thôn Phú Mẫn (Chờ-Yên Phong) và Vân Dương (TP Bắc Ninh) phấn khởi kể: Trước đây, các gia đình nuôi trâu, bò nhưng không biết cách xử lý phân, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Sau khi được đào tạo nghề chăn nuôi thú y đã tận dụng nuôi giun quế làm thức ăn rất tốt cho gia cầm, thủy cầm. Quan trọng hơn, một số hộ từ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tự tin phát triển quy mô vì được trang bị những kiến thức về phòng chống dịch bệnh, nhờ vậy thu nhập cũng cao hơn trước. Rõ ràng dạy theo cách “cầm tay chỉ việc” cho LĐNT là một phương pháp có hiệu quả trong công tác đào tạo nghề tại Bắc Ninh.
Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề của Bắc Ninh đang phát huy hiệu quả, thể hiện rõ ở quy mô đào tạo, và tác dụng các hoạt động dạy nghề. Hiện các ngành chức năng, địa phương tiếp tục điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo theo đúng yêu cầu của người dân. Trong quá trình đào tạo sẽ kết hợp với tham quan nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từ nơi khác để nông dân nắm vững kiến thức cũng như thực tế. Thời gian tới, các cơ sở dạy nghề ở Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề; liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động tiếp thu nghề nhanh hơn và có việc làm sau đào tạo. Đối với LĐNT, cần có nhiều ưu đãi và quan tâm hơn nữa đến công tác định hướng nghề để hoạt động đào tạo phát huy hiệu quả rõ nét hơn.
Nguồn: http://laodong.com.vn/
|