Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Đồng Nai: Khó tuyển dụng lao động phổ thông vì thu nhập thấp
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, trong tháng 5/2009, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 8.488 người, trong đó đưa vào các doanh nghiệp là 5.110 người, còn lại là thông qua các chương trình kinh tế-xã hội khác. Số lao động được giải quyết việc làm trong tháng 5 và từ đầu năm 2009 đã giúp 6 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh giải quyết việc làm ước đạt gần 46 ngàn người, bằng 54% kế hoạch/năm…Số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tăng nhanh vào hai tháng 4 và 5 so với những tháng đầu năm 2009.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Thị trường lao động lại sôi động trở lại và “nóng” hơn khi doanh nghiệp đang mong chờ người lao động.
Nguyên do chính là nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất hàng dài hơi và chuyển hướng kinh doanh hiệu quả.
Song nhu cầu lớn về lao động phổ thông cho sản xuất vẫn làm nhiều nhà tuyển dụng đau đầu. Nguồn lao động có nhu cầu lớn vẫn tập trung vào các ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ xuất khẩu. Chị Trần Thị Thảo, đại diện Công ty Shingmark Vina cho rằng: Kể cả thời điểm suy thoái, công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ cho sản xuất. Nếu tính trong năm 2009, để đảm bảo phục vụ tốt sản xuất và xuất hàng thì Shingmark cần tới 2000 lao động, chia làm nhiều đợt tuyển nhưng rất khó.
Trong sàn giao dịch việc làm lần thứ V tổ chức tại Trảng Bom vừa qua, chị Thảo cùng đại diện doanh nghiệp đến rất sớm để mong kiếm nguồn lao động mà như chị nói: vừa gần doanh nghiệp vừa thu hút được nguồn lao động tại chỗ nhưng xem ra ngồi cả buổi sáng vẫn tìm đỏ cả mắt… Nhiều doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng buồn phiền không kém. Anh Trần Bình, đại diện nhân sự công ty New Prokin đến từ Thuận An Bình Dương cho biết: “Công ty hiện có nhu cầu tuyển nguồn lao động phổ thông không hạn chế nhưng tìm nguồn khó quá. Thấy Đồng Nai có hình thức miễn phí khi tham gia sàn giao dịch nên chúng tôi đăng ký nhưng ngồi cả buổi sáng cũng chỉ nhận được chừng 70 hồ sơ mà phần lớn là lao động đã qua đào tạo trung cấp hay cao đẳng. Trong thời gian chưa có việc làm họ chấp nhận vào làm việc với thu nhập của lao động phổ thông”. Dù sao công ty anh Bình còn may mắn hơn nhiều doanh nghiệp ngay tại các KCN Đồng Nai. Công ty Olymplus Việt Nam, KCN Long Thành nhu cầu tuyển 200 lao động phổ thông chỉ nhận được 21 hồ sơ; cổ phần may Đồng Nai muốn bổ sung thêm 200 lao động cho việc sản xuất kinh doanh thì số lượt hồ sơ nhận được cũng đếm trên đầu ngón tay và còn nhiều doanh nghiệp khác tham gia nhưng đành thất vọng vì không thể tìm nguồn lao động phổ thông. Ông Lâm Duy Tín chia sẻ: Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất, ký được hợp đồng xuất hang, từng bước vượt qua khủng hoảng nhưng cũng là khó khăn khi doanh nghiệp muốn tìm nguồn lao động để phục vụ sản xuất. Lý do chính mà ngành khảo sát vẫn là mức thu nhập và các chế độ ưu đãi đối với lao động.
Năm 2009, thu nhập trung bình của lao động phổ thông từ 1,45- 1,6 triệu đồng; cá biệt vẫn còn nhiều nơi thu nhập của lao động dưới 1,1 triệu đồng…đây là nguyên nhân không hấp dẫn nguồn lao động về các KCN. Chị Lê Thị Mỹ Linh, công nhân một doanh nghiệp tại KCN Biên Hoà 2, cho biết: “Tôi đã làm việc gần 6 năm cả tăng ca hiện giờ thu nhập khoảng 2,2 triệu đồng/tháng nhưng vì phải lo cho đứa em đang học nên muốn tham khảo để kiếm việc làm mới có thu nhập cao nhưng khi hỏi các doanh nghiệp có nhu cầu, hầu như mức lương khởi điểm là 1,7 triệu cho tôi vì ưu tiên đã có kinh nghiệm…” Nhiều lao động khác đến trực tiếp các doanh nghiệp khi dán thông báo tuyển dụng nhưng họ đều ngao ngán lắc đầu vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Với thực tế như vậy, thiết nghĩ các doanh nghiệp cũng cần có chính sách ưu đãi, thu hút người lao động như tăng thêm phụ cấp, chất lượng bữa ăn giữa ca; hỗ trợ về tiền xe đưa rước, một phần nhà ở và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật lao động may ra nguồn lao động phổ thông mới đáp ứng cho sự phát triển của doanh nghiệp./.
Nguồn: http://www.thanhnien.vn
|