Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Hà Nam chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ
Chiếm 51% tổng số dân toàn tỉnh, phụ nữ Hà Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp trong chương trình xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hoá, tình trạng lao động nữ dôi dư cần giải quyết việc làm ngay tại địa phương trở nên bức xúc.
Xuất phát từ thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Nam đã chủ động đề ra nhiều biện pháp, nhằm tham gia giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ vùng bị thu hồi đất cho mục tiêu đô thị hóa. Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Thị Định cho biết: "Hàng năm, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của tỉnh hội và Hội LHPN các huyện, thành phố khảo sát nhu cầu cung ứng lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh; nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động chưa có việc làm, lao động dôi dư; ký kết hợp đồng với giáo viên, nghệ nhân truyền nghề, chủ động xây dựng đề án, chương trình dạy nghề đúng, trúng nhu cầu việc làm. Nhờ đó, mỗi năm hơn 80% số lao động học nghề tại trung tâm đều tìm được việc làm ổn định. Thu nhập bình quân của lao động trong các xí nghiệp may đạt 1,5 triệu đồng/tháng, các cơ sở thêu ren từ 500 nghìn đến một triệu đồng/người/tháng".
Trong công tác dạy nghề, hội phụ nữ tỉnh chú trọng tới chất lượng đào tạo và giới thiệu việc làm phù hợp, ổn định lâu dài. Năm 2010, với số tiền 1.750 triệu đồng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, Trung tâm dạy nghề của hội mở các lớp đào tạo miễn phí cho gần 900 đối tượng phụ nữ nghèo, lao động nữ tại các địa phương bị thu hồi nhiều diện tích đất canh tác (trong tổng số gần hai nghìn người được đào tạo); giới thiệu việc làm cho 1.500 người.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề tỉnh hội, Trương Thị Hải Thịnh cho biết: "Ba năm trở lại đây, trung tâm chú trọng mở các lớp dạy nghề phù hợp yêu cầu thực tiễn và đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Sau khóa đào tạo, 100% số học viên có việc làm".
Đối với nhóm lao động nữ hơn 30 tuổi, không có điều kiện làm việc tập trung tại các khu công nghiệp, hội đã tư vấn để chị em tham gia vào các lớp thêu ren truyền thống do các nghệ nhân tại địa phương đứng lớp.
Ba năm qua, Trung tâm Dạy nghề phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế huyện, thành phố mở các lớp kỹ thuật trồng trọt với phương pháp học đi đôi với thực hành ngay trên đồng ruộng. Chỉ tính riêng năm 2010, hội đã mở 8 lớp cho 245 học viên tại 8 xã thuộc 4 huyện, thành phố.
Bên cạnh các đối tượng được ưu tiên, Hội Phụ nữ tỉnh còn chỉ đạo hội phụ nữ các huyện, thành phố phối hợp với các trung tâm mở các lớp dạy nghề theo hình thức đóng học phí; tập huấn nghiệp vụ cho doanh nghiệp nhỏ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề thường xuyên ngắn ngày cho gần 900 người là báo cáo viên, tuyên truyền viên, các nữ doanh nhân và hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm ở địa phương còn một số hạn chế, do độ tuổi và trình độ học viên không đồng đều; nguồn kinh phí của các chương trình đào tạo phân bổ chậm, ảnh hưởng tiến độ mở lớp, cấp chế độ cho học viên. Bên cạnh đó, thời gian học nghề ngắn ảnh hưởng chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với những sản phẩm công nghệ mới. Mặt khác, ở các doanh nghiệp may, việc làm không ổn định, tăng ca, thời gian lao động quá dài, khiến lao động nữ gặp khó khăn trong thu xếp công việc gia đình và nuôi dạy con, dẫn tới tình trạng nữ công nhân khi lập gia đình thường bỏ việc. Khắc phục những khó khăn trên, trong năm 2011, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đưa dự án phát triển đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng quy hoạch đất đô thị, đất xây dựng khu công nghiệp. Tiếp tục mở nhiều lớp học nghề có nhu cầu đào tạo cao, hướng tới hình thành các nghề mũi nhọn; nghiên cứu cấp phép dạy các nghề mới. Thúc đẩy công tác giới thiệu việc làm, giải quyết lao động dôi dư, tăng thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên của các trung tâm dạy nghề có trình độ chuyên môn, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển dạy nghề, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
|