Nắm công nghệ, đón thị trường
Đoán nhu cầu thị trường để bước trước
Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Vũ Trung Thông là một trong những người may mắn khi được "vùng vẫy" trong chuyên môn. Ngay từ khi chưa tốt nghiệp, Thông đã được nhận vào làm việc cho một công ty kinh doanh thiết bị định vị.
"Có khát khao khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tôi đã xác định chỉ có đầu quân về làm việc cho các công ty mới có thể tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn", Thông chia sẻ.
Xác định môi trường làm việc chính là ngôi trường dạy kinh doanh tốt nhất nên Thông không ngại nhảy việc để có thể trải nghiệm qua nhiều bộ phận khác nhau như kinh doanh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản lý và chăm sóc khách hàng... Thậm chí, có thời gian Thông chấp nhận rời đất Bắc, vào TP.HCM để "học" kinh doanh tại một công ty phân phối các thiết bị phòng lab.
Thông cho biết, dù mất thời gian nhưng tất cả những trải nghiệm đó đã cho anh một nền tảng khá vững chắc, đặc biệt trong việc xây dựng quan hệ với đối tác lẫn khách hàng. Vì điều này mà năm 2011, trong bối cảnh các công ty tin học bắt đầu gặp khó vì người dùng dần thắt chặt chi tiêu, Thông vẫn tự tin trở về Hà Nội, ra mắt công ty dịch vụ tin học, chính thức bước vào thương trường.
Thông kể, ngày đó máy tính đã bắt đầu trở thành công cụ không thể thiếu trong xử lý công việc nên Công Nghệ Số của anh có nhiều việc để làm, đặc biệt là dịch vụ in sao đĩa cho các sự kiện. "Hà Nội là nơi tổ chức rất nhiều cuộc hội họp, nhu cầu in sao các đĩa tài liệu phục vụ sự kiện ở đó là rất lớn", Thông đánh giá.
Hướng đến đúng đối tượng khách hàng là các cơ quan hành chính nhà nước, các công ty tổ chức sự kiện..., lại đi trước các đối thủ cạnh tranh trong việc trang bị các thiết bị in sao đĩa hiện đại nên nguồn khách hàng tìm đến dịch vụ đặc biệt của Công Nghệ Số ngày càng nhiều.
Bước đi thắng lợi đầu tiên này giúp Công Nghệ Số có nền tảng về mặt tài lực để phục vụ những dự định của ông chủ trẻ. Anh chia sẻ: "Đặc thù của lĩnh vực tin học là công nghệ mới sẽ nhanh chóng thay thế công nghệ cũ. Dù đơn hàng nhiều nhưng lúc đó tôi biết dịch vụ ấy cũng sẽ nhanh chóng bị thị trường phủ nhận".
Và phủ nhận việc lưu trữ của CD chính là những chiếc thẻ nhớ lưu trữ, những USB xinh xắn và tốc độ cao, hàng bền. "Khi thị trường phát sinh nhu cầu sử dụng thẻ nhớ và USB thì Công Nghệ Số đã sẵn sàng phục vụ nhờ đoán trước được xu hướng", Thông khoe.
Để làm được điều này, Thông cho biết, "bí quyết" của anh đơn giản chỉ là thường xuyên cập nhật các thông tin về công nghệ thế giới nhìn nhận thị trường sẽ phát triển về đâu. Bởi, đời sống hiện đại, những người sở hữu công nghệ đang có khả năng dẫn dắt thị trường.
Nhịp cầu Nam tiến
Thành công trên đất Bắc nhưng những trải nghiệm của những ngày hành phương Nam vẫn thôi thúc để Vũ Trung Thông không ngủ quên trên chiến thắng. Anh cho biết: "Đời sống công nghệ của hai miền Nam - Bắc có những khác biệt mà chỉ có trải nghiệm ở cả hai miền mới nhận thấy điều này".
Một trong những khác biệt lớn chính là thói quen mua sắm laptop. Nếu như ở trong Nam, người dùng laptop có xu hướng thường xuyên đổi máy mới, cập nhật công nghệ thì ở đất Bắc, người dùng lại thích mua laptop cũ, tiết kiệm chi phí.
Quyết tâm phải kết nối nhu cầu của cả hai đối tượng khách hàng, một lần nữa, Vũ Trung Thông lại khăn gói vào Sài Gòn, phát triển sự nghiệp. "May mắn cho tôi là đã xây dựng được đội ngũ nhân sự đủ mạnh và tin cậy cho Công Nghệ Số, đủ để có thể điều hành từ xa", Thông chia sẻ.
Khác với lần vào Nam làm thuê, học việc, lần trở lại này Thông phải triển khai toàn bộ, từ việc thành lập công ty, tuyển nhân sự, tìm kiếm nguồn hàng lẫn... thành gia, lập thất. Khó khăn hơn nhiều lần nhưng bù lại, những phán đoán của Thông về thị trường hoàn toàn đúng. Nguồn laptop cũ từ Nam chuyển ra Bắc được người dùng tích cực đón nhận.
"Tôi cũng như nhân viên của Vũ Phong, tên công ty phía Nam của Thông, rất chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khách hàng ở phía Bắc đề cao việc "ăn chắc, mặc bền", chỉ cần mình bán ra một chiếc latop không đạt chất lượng thì xem như tiếng xấu đeo mang. Hầu như chúng tôi phải kiểm tra cẩn thận và chi tiết chất lượng từng chiếc máy", Thông bày tỏ.
Điều này cũng một phần nhờ vào khả năng thiên bẩm, nhìn vào chiếc laptop, nghe tiếng kêu của máy, di con chuột và với vài thao tác đơn giản là Thông có thể biết được chiếc máy đó còn tốt hay không.
Không chỉ đảm bảo chất lượng, để có thể làm nhịp cầu cho những chiếc laptop cũ, Thông buộc nhân viên của mình phải thành thạo và tận tâm trong công tác tư vấn. Anh kể, có những khách hàng đến xem máy, nghe tư vấn đến 2, 3 tiếng đồng hồ. Khách hàng có thể quyết định không mua nhưng việc tư vấn thì vẫn phải đảm bảo chu đáo.
Sự kỹ tính của Thông được đền đáp bằng những đơn hàng. Anh cho biết, hiện Vũ Phong đang sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn làm công cụ marketing lẫn bán hàng. Cách làm này giúp Thông tiết kiệm được chi phí nên có thể cạnh tranh về giá với đối thủ. Theo Thông, giai đoạn khó khăn này, áp lực không chỉ đè nặng lên doanh nghiệp mà còn lên cả đời sống người tiêu dùng.
Do vậy, cắt giảm chi phí và thậm chí là cắt giảm lợi nhuận để có thể cạnh tranh về giá chính là giải pháp tốt nhất cho kinh doanh. "Có thể, bây giờ lợi nhuận đến với tôi không như ý nhưng bù lại, 3 đến 5 năm nữa, khi kinh tế đã phục hồi thì khách hàng sẽ nhớ đến Công Nghệ Số hay Vũ Phong trong quyết định đặt hàng", Thông tự tin.
|