Lần đầu làm sếp
Lần đầu tiên trong sự nghiệp, bạn được bổ nhiệm làm sếp. Giờ đây bạn phải chịu trách nhiệm không chỉ với công việc của cá nhân mà còn của cả đội ngũ nhân viên cấp dưới.
Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn tránh khỏi sự bỡ ngỡ khi lần đầu làm sếp:
Không vội vàng đặt ra những thay đổi
Bạn không nên thực hiện những thay đổi cơ bản của phòng ban hay công ty trong những tuần đầu làm sếp, bởi mọi người có thể nghĩ rằng bạn tự cho mình hiểu rõ về công ty hơn họ. Thay vào đó, hãy dành thời gian tìm hiểu về cơ cấu, hệ thống, chính sách… của công ty và bắt đầu tiến hành thay đổi căn cứ trên cơ cấu, hệ thống, chính sách đó...
Hiểu rõ nhóm của bạn
Hãy cố gắng tiếp cận với từng người trong nhóm; nắm được điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người cũng như của phòng ban/công ty để đề ra những chiến lược thích hợp. Hãy khuyến khích các thành viên trong nhóm nói ra mong đợi của họ về bạn trong vai trò người quản lý mới. Một điểm cần nhớ là hãy cư xử một cách chân thành với nhân viên và xây dựng niềm tin nơi nhân viên.
Học cách giao việc hiệu quả
Giao việc là một trong những kỹ năng quản lý cơ bản, tuy nhiên những người lần đầu làm sếp lại ít chú ý tới nó.
Giao việc đúng người sẽ giúp bạn giảm thiểu khối lượng công việc của mình để tập trung cho những vấn đề lớn hơn. Chú ý không giao việc một cách ngẫu hứng cũng như quá nhỏ nhặt như: "Hãy đánh văn bản này với cỡ chữ 14 và in một mặt giấy…". Đồng thời, hãy thảo luận với nhân viên khi họ có khó khăn và sẵn sàng trợ giúp để họ cải thiện hiệu quả công việc.
Luôn cư xử một cách lịch sự
Đừng đánh giá thấp hiệu quả của những cụm từ đơn giản như "làm ơn", "cảm ơn" hoặc "làm tốt lắm"... bởi chúng có thể tác động lớn tới nhân viên của bạn. Dù họ dành tới ba ngày để lưu trữ dữ liệu hay mắc sai lầm với khách hàng quan trọng, đừng vội chỉ trích, trách mắng họ mà hãy ghi nhận sự cố gắng của họ và cư xử một cách lịch sự.
Nếu có một thành viên trong nhóm của bạn hoàn thành xuất sắc công việc, hãy dành cho anh/chị ấy những lời động viên, khen gợi và trao thưởng một cách xứng đáng. Và nhớ rằng phải đối xử công bằng với tất cả nhân viên.
Tránh trở thành người nghiện việc
Rất nhiều người mới được thăng chức đã lao vào làm việc hăng say với những lý do rất chính đáng: muốn học hỏi nhiều hơn, hoàn thành công việc nhanh chóng, thể hiện giá trị bản thân… Kết quả là họ thường xuyên làm thêm giờ và không nghỉ ngơi. Tuy nhiên, họ chỉ có thể làm việc với cường độ cao như vậy trong một thời gian ngắn và hiệu quả công việc đạt được không cao.
Do đó, hãy xác định những nhiệm vụ quan trọng trong ngày của bạn và tập trung hoàn thành chúng, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý... Bạn sẽ đạt được hiệu quả hơn là lúc nào cũng chỉ "chìm" trong công việc.
Tăng cường kỹ năng quản lý thời gian
Hãy cố gắng sử dụng thời gian trong ngày của bạn một cách hiệu quả nhất, xác định những nhiệm vụ mất nhiều thời gian nhất và tìm cách cải thiện. Ví dụ, nếu bạn tốn nhiều giờ để kiểm tra và trả lời email, hãy đóng hòm thư khi không cần thiết và chỉ hồi âm những thư khẩn cấp. Bằng cách hạn chế sự xao nhãng, bạn sẽ hoàn thành nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn.
Tìm người cố vấn
Hãy tìm cho mình một người cố vấn có khả năng và kinh nghiệm trong công ty. Người đó sẽ hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn ở vị trí mới.
|