Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Đối phó với "chuyên gia" ganh tị chốn công sở
Hãy thật bình tĩnh và mạnh mẽ để đối phó với những đồng nghiệp đố kỵ với sự thăng tiến của bạn.
Thành công tạo ra sự thăng tiến và cả lòng ganh tị. Trên chặng đường cống hiến cho công việc để leo lên được những vị trí cao hơn, chắc hẳn bạn đã vượt qua nhiều bạn bè và thậm chí cả kẻ thù ngấm ngầm mà bạn không hề biết rõ. Trong khi bạn nghĩ rằng đồng nghiệp giống như một người bạn thì trên thực tế lại có lúc bạn bị chính những người sát cánh kề vai ở công ty với mình sẵn sàng "trừ khử" bạn ra khỏi cuộc đua thăng tiến.
Sau khi được sếp tin cẩn giao cho giải quyết mấy hợp đồng kinh doanh cỡ lớn, tự nhiên Oanh cảm nhận được có cái gì đó không ổn trong thái độ của một vài người đồng nghiệp cùng phòng. Từ thái độ, họ tiến đến những hành động không được đẹp lắm đối với Oanh. Nếu Oanh có điện thoại của khách hàng, mấy kẻ đó lại tự nhiên chuyện trò rôm rả, cố vặn volum hết cỡ khiến cô không thể nghe nổi đầu dây bên kia đang nói gì, đành phải ra ngoài văn phòng gọi lại để không lỡ công việc của khách. Vậy nên nếu sếp có vô tình đi qua những nơi đó hỏi Oanh đi đâu thì tất nhiên, họ đổ cho cô ngay cái tội "từ sáng đến giờ chưa thấy mặt đâu, chắc là lại mải mê chơi bời ở đâu rồi".
Chưa dừng lại ở đó, tranh thủ những lúc Oanh đi vắng, họ thản nhiên lục lọi máy tính, chỗ làm việc của cô, bày bừa đủ thứ trên bàn khiến Oanh cảm thấy rất khó chịu. Tệ hại hơn, một lần biết chắc mình đã chuẩn bị bản báo cáo chuẩn bị trình trước một cuộc họp quan trọng với ban lãnh đạo công ty nhưng chỉ quay đi một chút, Oanh đã thấy nó "bốc hơi" từ lúc nào. Hỏi các đồng nghiệp ngồi cạnh, cô cũng chỉ nhận được một thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Sau này, được nghe cô bé thực tập kể lại qua mail, Oanh mới biết mình đang là nạn nhân của nạn đố kỵ nơi công sở. Cô sinh viên thực tập cũng thú nhận vì sợ bị trả thù nên không dám nói thẳng lúc đó với Oanh.
Trường hợp của Oanh chỉ là một trong vô vàn những nạn nhân của tình trạng đố kỵ, ganh ghét ở công sở. Lời khuyên tốt nhất cho nạn nhân là phải thận trọng để hạn chế tối thiểu những "đòn tấn công" ngầm từ phía các đồng nghiệp xấu tính nếu muốn tồn tại. Bị "chơi xấu", hẳn bạn sẽ rất bực mình nhưng bạn cần phải hết sức bình tình để giải quyết mọi chuyện. Nóng giận chỉ khiến bạn trở thành kẻ thất bại trong mắt họ mà thôi. Khi phát hiện ai là thủ phạm, cần mạnh bạo nói thẳng vấn đề để xem họ muốn gì khi làm thế. Sau đó chuẩn bị cho mình tập hợp lý lẽ thích hợp để trình lên xếp.
Biết được tình trạng đang diễn ra với mình, Oanh rất cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói, hành động ở công ty vì cô biết chỉ cần cô sơ hở một chút, đám đồng nghiệp lại có dịp móc máy cô với sếp. Oanh cũng thường xuyên lưu lại những gì đã làm, đặt pass cho máy tính cá nhân, hạn chế tiếp xúc tối đa với họ. Ngoài ra, cô nỗ lực không ngừng, chăm chỉ làm việc để chứng tỏ khả năng, kinh nghiệm của mình như muốn nói với sếp "Tôi mới là người có năng lực".
Nga, một nạn nhân khác của nạn đố kỵ ở công sở cho biết đã có lúc cô muốn rời bỏ công ty khi không thể chịu nổi miệng lưỡi và những hành vi xấu của mấy đồng nghiệp nữ cùng phòng. Nhưng rồi nghĩ lại rất khó để có cơ hội thăng tiến như ở đây, Nga đành ngậm đắng nuốt giận, vẫn giữ tâm trạng rất bình thường mỗi khi đến văn phòng làm việc và tiếp tục công việc trong sự cố gắng hết sức. Cô muốn cho họ thấy cô không cần quan tâm đến những lời nhận xét, phê bình của mỗi cá nhân mà hãy dùng kết quả để chứng minh bản thân mình. Và cuối cùng, Nga đã chiến thắng khi mấy người đồng nghiệp phát chán khi suốt ngày "buôn dưa", bàn tán hay chơi xỏ mà Nga chẳng có phản ứng gì, thêm đó, Nga còn được sếp ưu ái hơn vì hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Nhiều trường hợp nạn nhân của nạn đố kỵ vì cố gắng để được thăng chức hoặc tăng lương mà quên mất mọi người xung quanh. Thực tế, nếu bạn chú ý đến những thành viên của nhóm và ghi nhận sự đóng góp của họ thì những nỗ lực cố gắng của bạn có thể thành công hơn bạn nghĩ. Ví dụ, trong các cuộc họp, thay vì xưng “tôi” bạn nên sử dụng từ “chúng tôi”, hỏi ý kiến của họ khi thực hiện các kế hoạch lớn.
Dù bạn có thực sự là “sao” trong công ty, thì cũng cần thể hiện tầm quan trọng của cả nhóm và khẳng định mọi thành công đều nhờ vào công sức của tập thể. Bằng cách này, các đồng nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường làm việc.
|