10 thất bại của sinh viên năm nhất-p1
Trải qua năm nhất với nhiều sắc thái, có vui có buồn. Vui khi lần đầu tiên được trải nghiệm nhiều thứ mới lại trên đời, làm quen với những con người mới, môi trường mới, cách sống mới, học hỏi nhiều thứ mới. Buồn khi vô tình đánh mất đi một số thứ: những người bạn cũ lâu năm trở thành xa cách, mất đi một số thói quen tốt đẹp, sống vùi mình trong chuỗi ngày dài xả hơn vô nghĩa, kết thân với những thói quen không tích cực.
Trong số đó có cả những thất bại. Có những thất bại dễ dàng để nhận ra, để cảm thấy sợ hãi. Nhưng cũng có những thất bại dần dần, những gì nó đưa đến từ từ, lâu lâu các em mới thấy nhưng lại thay đổi các em. Trong số những thứ nguy hiểm, có lẽ quen dần với thất bại là một trong những thứ nguy hiểm nhất. Có thể các em biết mình đã thất bại, ấy thế mà để yên, không hành động và sống bằng lối sống của một người đầu hàng thất bại.
Nhiều người ngã ngựa trên đường đua. Cú ngã bất thình lình, đau điếng. Các em đôi khi không có cú ngã giật mình nào nhưng lại chùn gối trong từng bước đi, để đến cuối cuộc hành trình các em nhìn lại thấy mình đã tịnh tiến xuống những nấc thang thật sâu, ngao ngán khi nghĩ về những ngày tốt đẹp trước đây.
THẤT BẠI 1: Dành quá nhiều thời gian xả hơi đầu năm học
Nhiều sinh viên năm nhất đã từng nghĩ rằng lên đại học là để xả hơi. Cho nên năm nhất của đa phần mọi người gắn liền với việc đi chơi, ăn chơi nhảy múa. Lại cộng thêm sự ủng hộ từ các bậc đàn anh, đàn chị cho rằng "Học đại học nhàn lắm" cho nên năm nhất thường không quan tâm nhiều đến bài vở. Năm nhất cũng quên mất xác định cho mình những mục tiêu trong thời gian học đại học, hoặc có xác định rồi cũng vứt đấy.
Kết quả là nhiều bạn vì xả hơi nhiều quá, đến khi muốn quay về với nhịp độ học tập, rèn luyện cân bằng thì lại thấy thật khó khăn. Nhưng điều nguy hiểm nhất là nhiều bạn từ lối sống xả hơi đã đánh mất mục đích của mình, quên mất mình cần phải làm gì.
Chính vì dành quá nhiều thời gian để xả hơi, thời gian dành cho những mối bận tâm khác về học tập, rèn luyện, phát triển bản thân bị bỏ qua. Hậu quả trực tiếp là điểm số thấp, bản thân thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống nghèo nàn. Hậu quả sâu xa là các em sẽ bị những người xung quanh bỏ xa. Để đến khi muốn thay đổi lại không biết bắt đầu từ đâu.
THẤT BẠI 2: Để lạc mình trong mơ hồ
Có nhiều yếu tố để coi năm nhất như một bước ngoặt lớn trong số những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mỗi người. Đó là khi chúng ta bắt đầu "tự": tự quyết định những câu hỏi liên quan đến bản thân, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm, tự trải nghiệm, tự sống và tự cam kết với bản thân về tương lai. Chúng ta nhận được ít quan tâm hơn, lo toan nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn. Ấy là khi chúng ta có cơ hội để trưởng thành hơn. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nỗ lực để tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng trong cuộc đời như: Thực chất mình thích gì? Mình sống vì điều gì? Mình nên sống thế nào? Mình muốn hướng đến một cuộc sống thế nào?
Nhưng nhiều em sinh viên năm nhất bỏ qua những câu hỏi đó, sống trong sự mơ hồ. Các em phân vân về cuộc đời nhưng rồi chấp nhận bỏ ngỏ những câu hỏi đó. Để rồi hậu quả là nhiều bạn thả rơi cuộc sống của mình trong một đống mơ hồ. Sự bàng quan ấy dần dà tạo nên một cuộc sống mờ nhạt và đầy bứt rứt. Cuối cùng, các em không biết mình đi đâu, đang đứng ở đâu và sẽ đến đâu.
Một cuộc sống mơ hồ là một cuộc sống nhàm chán.
THẤT BẠI 3: Không làm mới và bổ sung bản thân
Nỗ lực học tập tập trung cho kỳ thi đại học đã làm cho các em bỏ sót việc bổ sung những kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống. Vì vậy, lên đại học, việc cần làm của các em là tìm hiểu xem có những thứ gì cần bổ sung cho đủ. Đó là kỹ năng mềm, kiến thức, ngoại ngữ, và vô số thứ khác nữa.
Nhưng tâm lý xả hơi và sự mơ hồ về mục tiêu tương lai đã làm cho nhiều em quên mất điều đó. Các em không bỏ thời gian tìm hiểu bản thân và không có kế hoạch bổ sung điểm khuyết thiếu cho cá nhân.
Nhiều người bào chữa rằng những kỹ năng đến năm 3, năm 4 bổ sung cũng chưa muộn. Tuy rằng kỹ năng là điều có thể học tập và rèn luyện được nhưng các em cần một thời gian đủ dài để rèn dũa mọi thứ. Cuộc sống cần nhiều thứ ở con người, không có cá nhân nào có thể khẳng định rằng mình có đầy đủ hết các kỹ năng cần thiết. Những người xuất sắc nhất là những người luôn nhận mình yếu, thiếu và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để bổ sung.
Nhiều bạn trải qua năm nhất mà không đọc nổi 1 cuốn sách, không nghiên cứu về chủ đề mới nào, không bổ sung thêm kỹ năng cho mình, kiến thức xã hội không được cập nhật. Đối với các bạn ấy, năm nhất là những trận chiến game thâu đêm không mệt mỏi hoặc những bộ truyện diễm tình miên man.
THẤT BẠI 4: Mất đi sự tin tưởng của những người xung quanh
Điều may mắn nhất trên đời là khi chúng ta được tin tưởng. Các em có được tin tưởng hay không? Khi còn được tin tưởng nghĩa là cuộc sống vẫn cần sự hiện diện của các em, chúng ta vẫn tồn tại một cách có ý nghĩa.
Khi các em bước qua cánh cửa vũ môn để trở thành tân sinh viên, các em nhận được rất nhiều sự tin tưởng. Đó là niềm tin của thầy cô, bạn bè, người quen, họ hàng. Và là niềm tin từ những người các em yêu quý như cha mẹ. Cũng là niềm tin của chính các em với bản thân mình.
Nhưng năm nhất, nhiều em lần lượt bỏ rơi đi niềm tin mà các em đã nhận được. Các em sống buông lơi, bỏ bê học tập, không phấn đầu vì tương lai phía trước. Những thứ khác mất đi có thể dễ dàng lấy lại nhưng niềm tin một khi mật đi thật khó tìm lại, hãy nhìn lại bản thân. Không dễ gì để được tin tưởng nên đừng dễ dàng đánh mất đi niềm tin và sự kỳ vọng dành cho các em.
|