Có doanh nghiệp xuất khẩu lao động yếu, kém hay kêu về 'giấy phép con'
Một trong các hạn chế lớn nhất hiện nay đó là nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín của mình.
Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa được trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đưa đi còn thấp, tỷ lệ lao động bỏ trốn ở lại nước ngoài khi hết hợp đồng còn cao và trong nước doanh nghiệp phản ánh tình trạng “giấy phép con” vẫn là rào cản khiến họ không thể tuyển chọn được nguồn lao động. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Xung quanh việc xuất khẩu lao động có rất nhiều việc cần phải nói. Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nói đến nhiều thành tựu trong xuất khẩu lao động, nhưng bên cạnh đó thì còn khá nhiều hạn chế. Một trong các hạn chế lớn nhất hiện nay đó là các doanh nghiệp thì đông, nhưng mà không mạnh cả về năng lực đào tạo, tuyển chọn, cả về am hiểu luật pháp trong nước cũng như nước ngoài, cả việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực để hỗ trợ người lao động trong trường hợp cần thiết. Tất nhiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp mạnh như LOD hay Esuhai, họ hỗ trợ người lao động rất chu đáo, từ việc cấp học bổng, đào tạo trong vòng 1 năm để đi làm việc ở nước ngoài, sau đó rất nhiều lao động trở về đã thành đạt.
PV: Nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng “giấy phép con” trong xuất khẩu lao động, ông có ý kiến gì?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có rất nhiều doanh nghiệp nói về “giấy phép con”, đi đến các địa phương rất khó tuyển được nguồn, thậm chí bị gây khó dễ. Việc này phải nhìn nhận lại cả hai phía.
Họ ở rất nhiều địa phương, nên việc tuyên truyền vận động và tạo nguồn cũng tốn khoản chi phí nhất định. Doanh nghiệp có hỗ trợ địa phương làm việc đó không? Như Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có nói: “Liệu có sự công bằng giữa thu nhập và đi tuyển lao động và những người hỗ trợ việc tuyển lao động này”. Cái đó phải là thương lượng, đàm phán giữa các doanh nghiệp với địa phương.
Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín của mình. Có nhiều doanh nghiệp mạnh về bất kỳ các địa phương được chào đón bởi họ tuyển chọn, đào tạo rất tốt, chăm lo cho người lao động, hỗ trợ cho người lao động trong những năm làm việc ở nước ngoài cũng rất là tốt, nhưng rất nhiều doanh nghiệp năng lực thì yếu kém.
Cũng đã có những doanh nghiệp trước đây gặp sai phạm là tuyển chọn lao động để đưa đi nhưng đào tạo trong nhiều tháng vẫn không đưa lao động đi được trong khi đã thu phí của người lao động nhưng không hoàn trả lại họ được.
Một số doanh nghiệp thì không được một số địa phương chào đón vì họ biết trước thông tin về doanh nghiệp đó. Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh, muốn phát triển sự nghiệp xuất khẩu lao động thì việc nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, uy tín và sằng phẳng với người lao động là những việc đầu tiên các doanh nghiệp phải chấn chỉnh.
PV: Thưa ông, hiện nay chúng ta đang có kế hoạch đào tạo lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài, nhưng phần lớn thị trường đang cần lao động ở trình độ trung bình và thấp, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Thị trường lao động các nước cần rất nhiều lao động ở các phân khúc khác nhau. Có thể là những lao động làm công việc giản đơn mà có thể người trong nước không làm thì cũng là một phân khúc mà họ đón nhận. Có thể là lao động ở trình độ cao thì các nước đều rất muốn thu hút, nhưng bên cạnh đó ở phân khúc trung bình thì rất nhiều, rất nhiều nước vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động.
Quan trọng nhất là chúng ta chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào để chiếm lĩnh được những phân khúc của thị trường mà có việc làm tốt, thu nhập tốt. Chúng ta nhìn ra xung quanh, chẳng hạn như Philipin, Thái Lan…thường họ được nhận những công việc ở những phân khúc mà chất lượng việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Điều đó cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng dự báo của các thị trường.
Các Ban Quản lý lao động tại các thị trường phải thường xuyên cập nhật các thông tin về các thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước cũng như định hướng, chuẩn bị tốt hơn nguồn lực và có thể chiếm lĩnh được phân khúc tốt hơn tại thị trường lao động ở nước ngoài
PV: Lao động trong nước đang thất nghiệp nhiều, kể cả cử nhân đại học. Có thông tin cho rằng chúng ra sẽ đưa lao động cử nhân, thạc sỹ đi xuất khẩu lao động, thực hư là thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Tôi phải nói lại cho rõ là: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án đưa lao động qua đào tạo, có trình độ đi làm việc ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ không hề chỉ đạo xây dựng Đề án đưa cử nhân, thạc sỹ đi làm việc ở nước ngoài. Các nước cũng gặp tình trạng thanh niên thất nghiệp với tỷ lệ cao, rồi sự mất cân đối giữa nguồn cung đào tạo lao động có trình độ đại học, cử nhân với nhu cầu của thị trường. Hầu hết các nước gặp phải câu chuyện này. Quan trọng nhất là các Ban Quản lý lao động ở các nước phải thường xuyên cập nhật những thông tin về những loại lao động nào, phân khúc nào, ngành nghề nào mà phía bạn cần và cung cấp về nước. Các trường có thể đào tạo, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các trường để mà giải quyết câu chuyện này.
|