Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị nghị tuyên truyền về chế độ chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức ngày 22/2, tại Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, qua 9 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay đã có trên 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có gần 30.000 người từ chỗ không có cơ hội về mặt chính sách để hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH đã được tham gia BHXH tự nguyện và đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, chính sách BHXH tự nguyện khi được liên thông với chính sách BHXH bắt buộc đã giúp gần 30.000 người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Trước đó, họ thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, chính sách BHXH tự nguyện đã mở rộng, song hiện nay, cả nước mới có khoảng 12,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 191.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, thời gian tới phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khuyến khích và hỗ trợ để đông đảo người lao động tự do trong khu vực phi chính thức nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện là chỗ dựa vững chắc khi họ không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống hay hết tuổi lao động, từ đó có thể làm cho họ chuyển biến nhận thức...
Theo BHXH Việt Nam, công tác phát triển đối tượng và thu BHXH tự nguyện, đối tượng tham gia và tiền thu hàng năm đều tăng cao hơn so với năm trước. Đối tượng tham gia chủ yếu là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc và đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, số người tham gia mới còn hạn chế, hàng năm phát triển khá chậm.
Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân, chưa có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già.
Chính vì vậy, theo BHXH Việt Nam, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyên thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tham gia. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý...