Hậu xuất khẩu, lao động bị bỏ quên: Lãng phí nguồn nhân lực
Nhà nước chủ trương đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài nhằm mục tiêu tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước… Tuy nhiên, hậu xuất khẩu lao động, hàng nghìn lao động lại thất nghiệp ngay tại quê hương...
Mỗi năm có hàng nghìn lao động kết thúc hợp đồng về nước mang theo tay nghề, vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc… mà họ tiếp thu được ở nước ngoài nhưng lại rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tay nghề cao vẫn thất nghiệp
Xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) từng là mô hình điểm của chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từ một làng biển nghèo, nhờ XKLĐ mà Cương Gián thay da đổi thịt và trở thành một xã giàu có nhất huyện.
Nhưng theo một cán bộ xã, Cương Gián đang tiềm ẩn những bất ổn về cơ cấu lao động. Hàng trăm thanh niên trở về từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… đang thất nghiệp nhưng không muốn trở lại nghề biển, nghề nông mà chờ cơ hội khác để lại ra nước ngoài làm việc. Anh Trần Văn Tỉnh từng đi XKLĐ 3 năm ở Hàn Quốc với thu nhập hơn 1.000 USD/tháng. Trở về làng anh bỏ hẳn nghề biển, dồn tiền xây nhà và tìm cơ hội khác quay lại Hàn Quốc nhưng đã nhiều lần bị “cò” lừa hết tiền. Túng thiếu, gia đình phải vay mượn tiền mở quán nhậu sống qua ngày.
Thực tế của anh Tỉnh là tình trạng chung của hàng nghìn thanh niên đi XKLĐ trở về trên cả nước. Nhiều làng quê thay da đổi thịt nhờ nguồn tài chính mang lại từ XKLĐ, nhưng ở đó cũng tràn ngập thanh niên thất nghiệp. Một cán bộ xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Xã này cũng giàu lên nhờ XKLĐ, thanh niên hầu như tốt nghiệp trung học là tìm đường đi Nhật, đi Hàn lao động. Trở về, họ dồn tiền xây nhà, ăn chơi hết tiền lại vay mượn ngân hàng và tìm cơ hội khác để đi nước ngoài”. Xót lòng, tôi hỏi sao xã không liên hệ hay hướng dẫn kết nối việc làm trong nước cho họ, vị này cười bảo: “Biết liên hệ với ai, hướng dẫn kết nối nơi nào mà tìm việc cho họ?”.
Bỏ ngỏ giải quyết việc làm trong nước
Hiện các doanh nghiệp XKLĐ mới chú trọng chính sách đưa lao động đi xuất khẩu và chưa có chính sách cụ thể cho việc tái hòa nhập khi trở về để có thể sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã học hỏi được từ nước ngoài. Việc chưa tận dụng được nguồn nhân lực này là một sự lãng phí, vì thực tế có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động này”.
Bà Nguyễn Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận: “Đúng là chúng ta chưa có chính sách huy động, bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và con người do XKLĐ mang lại. Nói cách khác, vấn đề giải quyết việc làm cho người đi làm việc ở nước ngoài trở về chưa đồng bộ với việc đưa người đi XKLĐ. Vấn đề này cũng do ý thức và tầm nhận thức của ta chưa thấu đáo trong quá trình triển khai chiến lược XKLĐ”.
Trong một buổi gặp mặt lao động từ Nhật Bản về nước tại TP.HCM của Công ty Hiteco, ông Yanagi Seiichi -Tổng Giám đốc Công ty Sanup (nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam qua Nhật làm việc) buồn lòng chia sẻ: “Nhìn lại chương trình trao đổi lao động giữa hai nước, chúng tôi rất buồn khi đa số lao động Việt Nam làm việc ở Nhật trở về đều thất nghiệp. Nhiều lao động không phát huy được tay nghề đã học hỏi từ Nhật vì không có việc hoặc làm trái nghề”.
Hiện nay, không chỉ lao động trở về từ Nhật mà các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan… không tìm được việc làm, hay làm trái nghề. Điều này gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đã qua đào tạo tại những nước tiên tiến như Nhật, Hàn.
Ông Masumi Higuma -nguyên trưởng đại diện IM Japan tại Việt Nam, cũng chung đánh giá này: “Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề hàng đầu trong chiến lược XKLĐ là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề để trở về phục vụ chiến lược phát triển trong nước. Các bạn phải tự đặt câu hỏi tại sao lao động ra nước ngoài làm việc luôn tìm cách bỏ trốn ở lại. Đó chính là vấn đề của hậu XKLĐ”.
Ông Hòa nhận định: “Khi còn làm thứ trưởng, tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) phải xây dựng hệ thống dữ liệu về nguồn lao động xuất khẩu để kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia nhằm tạo nên chiến lược giải quyết việc làm cho lao động trở về nước ngoài. Có dữ liệu này, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam dễ dàng kết nối với nguồn lao động khi họ cần. Nhưng theo tôi biết, hệ thống dữ liệu này vẫn chưa được làm bài bản”.
Còn bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, hiện hệ thống dữ liệu việc làm quốc gia chỉ kết nối với đường link tới Dolab, các doanh nghiệp khi cần nguồn lao động thì liên hệ với Dolab để tìm hiểu. Còn theo ông Phạm Viết Hương -Cục Phó Dolab, hiện hệ thống dự liệu nguồn lao động chưa hoàn chỉnh, chưa thể áp dụng đưa lên hệ thống, cần thời gian dài để hoàn thiện.
|