'Ma trận' xin việc làm ở Nhật Bản
Nhiều nhà tuyển dụng Nhật Bản hiện đang 'khát' lao động và vì thế, các sinh viên quốc tế, chẳng hạn như du học sinh Việt Nam, bắt đầu được chú ý.
Hoạt động tuyển dụng các sinh viên mới ra trường ở Nhật Bản giống như một cảnh trong phim Ma trận, theo Bloomberg. Lớp lớp sinh viên mặt vest đen, áo sơ mi trắng giống hệt nhau ngồi nghe hội thảo, làm bài kiểm tra và phỏng vấn ứng tuyển. Ngay cả khi số lượng công việc nhiều hơn số lượng ứng viên, những người đi xin việc vẫn thi nhau đổ về các doanh nghiệp có tên tuổi lớn, “lạnh nhạt” với các nhà tuyển dụng nhỏ hơn.
Shuto Kuriyama, chuyên viên nhân sự tại chuỗi cửa hàng nội thất khu vực Shimachu, cho hay: “Các công ty nổi tiếng trong các ngành như tài chính có 7 ứng viên nộp đơn xin tuyển vào một vị trí. Với chúng tôi, 7 vị trí được mở ra chỉ để đón một ứng viên”. Ông Kuriyama đã và đang cố gắng thu hút sinh viên đến buổi giới thiệu doanh nghiệp tại một hội chợ tuyển dụng nhân sự trong tuần này ở Chiba, gần thủ đô Tokyo. Trong khi đó, các gian hàng tuyển dụng của những doanh nghiệp lớn ngập ứng viên ứng tuyển.
Tỷ lệ sinh thấp cùng tốc độ hồi phục kinh tế chậm chạp khiến tỷ lệ việc làm trên ứng viên của Nhật Bản chạm mốc 1,43 trong tháng 1, cao nhất trong 25 năm. Ở Tokyo, có nhiều hơn hai vị trí tuyển dụng mở ra cho mỗi ứng viên. Các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thực trạng thiếu lao động, song ngay cả một số nhà tuyển dụng nổi tiếng cũng đang dần phải thay đổi việc thuê tuyển cứng nhắc của mình. Một số công ty bắt đầu xem xét tuyển lao động nước ngoài.
Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nền kinh tế phát triển, trái ngược với châu Âu và Mỹ - những khu vực mà chuyện thiếu việc làm trở thành nguyên nhân để các chính trị gia muốn kiềm chế thương mại và nhập cư được ủng hộ. Chỉ 3% người Nhật không có việc làm, thấp hơn so với số liệu 0,6% ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và 4,7% ở Mỹ.
Xin việc ở Nhật không đơn giản chỉ là việc mua hồ sơ và điền vào bản lý lịch. Đó còn là việc học hỏi những phép tắc trong hoạt động kinh doanh, trong đó có cách bước vào một căn phòng, cúi chào và ngồi đúng. Ngoài ra, sử dụng ngôn ngữ trang trọng với mức độ chính xác khi trò chuyện với người phỏng vấn hoặc khách hàng cũng là yếu tố quan trọng.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn và những sinh viên giỏi có đúng 7 tháng để tìm kiếm nhau. Mùa tuyển dụng cho sinh viên đại học năm thứ ba bắt đầu vào ngày 1.3 và giới doanh nghiệp lớn sẽ chính thức công bố quyết định tuyển dụng của họ bằng cách trao giấy chứng nhận ở các buổi lễ tổ chức vào ngày 1.10. Hầu hết nhà tuyển dụng tuyển sinh viên ngay khi họ vừa ra trường.
Những nhà tuyển dụng thu hút sinh viên nhiều nhất là các ngân hàng lớn, hãng bảo hiểm, giao dịch chứng khoán, công ty du lịch và hãng hàng không. Dù có chính sách trả lương khởi điểm khác với doanh nghiệp nhỏ, những công ty lớn thường tăng lương nhanh hơn cho nhân viên. Đặt chân vào cửa công ty lớn đồng nghĩa với việc sinh viên vừa tốt nghiệp có thể hưởng thu nhập giữa sự nghiệp cao hơn. Một số hãng còn cung cấp lợi ích cho nhân viên, chẳng hạn như chỗ ở và kỳ nghỉ mát miễn phí.
Michiyoshi Aoki, 22 tuổi, một trong số 31.000 sinh viên tham gia hội chợ tuyển dụng cho biết anh không tìm việc ở các doanh nghiệp nhỏ. Anh đã nhắm đến nhiều tên tuổi lớn trong ngành bảo hiểm và ô tô, trong đó có hãng Toyota Motor, Nissan Motor và Honda Motor.
“Cạnh tranh rất nhiều để vào được công ty lớn, nhưng nếu bạn làm việc ở một công ty lớn, bạn sẽ có nhiều cơ hội và tương lai hơn”, Aoki chia sẻ. Vì quan điểm này, tình hình thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những công ty có vốn lên đến 100 triệu yen Nhật (tương đương 880.000 USD), đang ở mức tệ nhất từ đầu thập niên 1990, theo cuộc khảo sát mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Trong thị trường thắt chặt hơn cả thời tiền khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp lớn đang bắt đầu nới lỏng hoạt động tuyển dụng và việc thuê tuyển nhân sự ở giữa sự nghiệp của họ ngày càng tăng. Nhà tuyển dụng gia tăng mạng lưới tuyển dụng để bảo đảm rằng họ thuê được nhân viên giỏi nhất.
“Các công ty nhỏ từ lâu đã chấp nhận việc tuyển nhân sự mới đã ra trường ba năm. Giờ đây các công ty lớn cũng làm điều tương tự”, giám đốc điều hành bán hàng và marketing cấp cao Masanori Ishida tại tập đoàn Pasona cho biết.
Chủ tịch Takashi Hibino của hãng Daiwa Securities cho hay: “Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải cải thiện môi trường làm việc của họ hoặc bất lực trong việc thu hút ứng viên”. Lúc này, nhiều doanh nghiệp lớn đang hướng về sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Nhật Bản.
Hội chợ việc làm cho sinh viên nước ngoài tổ chức ngày 10.3 tại trụ sở hãng Pasona ở Tokyo thu hút 32 doanh nghiệp, trong đó có những ngân hàng lớn. Sinh viên Việt Nam Tuyet Ngan, 26 tuổi, cũng có mặt và chia sẻ rằng cô muốn làm việc ở Nhật Bản. “Nhật Bản có rất nhiều người già, vì vậy tôi nghĩ họ cần thêm người trẻ”, Ngan cho hay và nói thêm rằng mình đang tìm việc trong ngành thực phẩm hoặc giao hàng.
|