Mẹo cho cuộc phỏng vấn xin việc
Nếu hồ sơ của bạn lọt “mắt xanh” của nhà tuyển dụng, thì vòng phỏng vấn kế đến bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng cho việc làm của bạn.
Một số “mẹo” có thể áp dụng cho cuộc phỏng vấn suôn sẻ.
Đừng đến trễ
Bạn có thể làm giảm sự căng thẳng bằng cách đến sớm hơn giờ hẹn ít nhất 15 phút. Đi trễ không gây thiện cảm đối với nhà tuyển dụng. Chắc chắn bạn sẽ “mất điểm” thông qua hành động không chuyên nghiệp này.
Mẹo cho cuộc phỏng vấn xin việc - ảnh 1
Luôn mỉm cười một cách tự nhiên để tạo thiện cảm
Hãy giao tiếp bằng mắt
Nhìn vào người đang nói chuyện với bạn và khi trả lời câu hỏi, nhớ liên lạc bằng mắt với tất cả mọi người trong phòng đang hỏi bạn.
• Lắng nghe: Đừng ngắt lời khi nhà tuyển dụng đang nói. Nếu bạn không hiểu hoặc không rõ câu hỏi nào, thì chờ khi họ nói xong, bạn lịch sự hỏi lại cho rõ ý.
• Hãy thân thiện và nở nụ cười: Một nụ cười cởi mở có thể gây thiện cảm rất lớn, vì vậy bạn hãy biết tận dụng lợi thế này - nhưng nhớ phải thật tự nhiên - bạn vẫn muốn được xem là chuyên nghiệp và lịch sự đúng không?
• Đưa ra câu trả lời ngắn ngọn, súc tích: Bạn nên đi thẳng vào vấn đề và trả lời gãy gọn. Dù câu hỏi họ đưa ra chỉ cần nói “có” hay “không” là đủ ý, thì bạn cũng nên lấy thêm ví dụ để chứng minh điều bạn vừa nói.
• Nói những điều tiêu cực theo một cách tích cực: Đừng bao giờ nói xấu sếp cũ. Chắc chắn, nhà tuyển dụng mới sẽ không bao giờ đánh giá cao khi bạn nói xấu sếp cũ cả. Bạn có thể đưa ra hàng chục lý do để thay đổi công việc mà không nhắc đến người sếp cũ khó ưa chứ?
Các nhà tuyển dụng tìm kiếm những gì?
Thông thường các nhà tuyển dụng tìm kiếm những đặc điểm sau đây đối với những ứng cử viên dự phỏng vấn:
• Trung thực và liêm chính: Không nói dối về kinh nghiệm hoặc thành tích của bạn bởi nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra chéo những điều này.
• Giao tiếp tốt: Trả lời thật rõ ràng. Nếu câu trả lời của bạn có nhiều ý, thì hãy sắp xếp những ý ấy sao cho rành mạch, người nghe dễ nắm bắt.
• Sự phù hợp: Nhà tuyển dụng muốn làm việc với một người có thể thích ứng nhanh với công việc và phù hợp với văn hoá (công sở) của họ. Vì thế, trước khi dự phỏng vấn vào công ty nào, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty đó để có sự chuẩn bị tương ứng.
Nhà tuyển dụng thường hỏi hững câu hỏi nào?
Bạn sẽ nhận được một loạt các câu hỏi, được thiết kế để xác định sự phù hợp của bạn với công việc và công ty. Bạn nên tìm hiểu và suy nghĩ về cách bạn trả lời những câu hỏi này trước khi bạn tham gia cuộc phỏng vấn.
• Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?
• Tại sao bạn bỏ công việc hiện tại?
• Mục đích dài hạn của bạn là gì?
• Tại sao bạn nghĩ rằng bạn thích hợp với vị trí (công việc) này?
•Tại sao bạn nghỉ việc trong thời gian lâu như thế?
• Thế mạnh của bạn là gì?
• Điểm yếu của bạn là gì?
• Bạn có thể cho tôi biết về một tình huống khó khăn bạn đã từng phải đối mặt?
• Bạn thích làm gì trong thời gian rảnh?
Bạn nên hỏi những câu hỏi nào?
Ngược lại, rất có thể bạn có cơ hội để đặt câu hỏi đối với người phỏng vấn. Ngay cả khi họ đã thông tin tất cả mọi thứ bạn muốn biết về công ty đó, thì những câu hỏi lúc này vẫn có giá trị vì nó cho thấy bạn đã cẩn thận xem xét công việc. Hỏi bất kỳ điều nào sau đây (nhưng dĩ nhiên, nếu nhà tuyển dụng đã trả lời trước đó, thì bạn đừng hỏi lại):
• Ông (bà) có thể mô tả văn hoá nơi làm việc ở đây như thế nào?
• Cơ hội nghề nghiệp dài hạn nào cho những người lao động?
• Những thách thức chính của vị trí này là gì?
• Quan điểm của công ty về đào tạo là gì?
Phỏng vấn lần 2
Nếu bạn được hỏi về cuộc phỏng vấn thứ hai, bạn đang ở ngưỡng cửa để bước vào công ty đó! Bạn đã tạo ra một ấn tượng tốt đẹp trong lần phỏng vấn đầu tiên.
Mọi người được yêu cầu trở lại cuộc phỏng vấn lần thứ hai (hoặc thậm chí là lần thứ ba) vì nhà tuyển dụng cảm thấy họ cần thêm thông tin hoặc cần nhân viên khác gặp bạn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Câu hỏi lần này có thể giống với cuộc phỏng vấn đầu tiên, đặc biệt nếu bạn đang được phỏng vấn bởi nhóm người mới, nhưng họ có nhiều khả năng đặt câu hỏi cụ thể liên quan đến vị trí công việc mà bạn nộp đơn ứng tuyển.
|