Ba câu nói khiến bạn bị điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng
Bạn có biết, có những câu trả lời mà bạn nghĩ là hay nhưng nhà tuyển dụng lại nghe đến nhàm chán. Hãy cũng tham khảo qua 3 câu nói nhàm chán mà hầu như ai cũng đều đã từng mắc phải nhé.
“Điểm yếu của em là quá cầu toàn nên…”
Có phải bạn nghĩ câu nói này rất hay? Vừa có thể dễ dàng dấu đi điểm yếu thật sự của bản thân vừa có thể ghi điểm bởi “cầu toàn” nghe qua thì tiêu cực nhưng thực chất lại là đang tự khen và nâng tầm bản thân. Nhưng bạn biết không, nhà tuyển dụng đã nghe câu trả lời này đến cả trăm lần và mỗi một lần như vậy, xác suất họ tin tưởng câu trả lời lại càng ít đi.
Việc đưa ra điểm yếu thật giúp bạn có cơ sở để chủ động nói về cách bạn kiểm soát và giải các điểm yếu của mình, gián tiếp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng
Bản chất câu hỏi: “Điểm yếu của bạn là gì?” của các nhà tuyển dụng là để tìm xem các ứng viên yếu ở điểm nào, để từ đó lựa chọn, sắp xếp công việc phù hợp hơn cho bạn chứ không phải hỏi ra để vạch lá tìm sâu để loại ứng viên. Nếu trước đó các ứng viên tự nhận mình ”trung thực, thẳng thắn” thì câu trả lời này sẽ khiến nhà tuyển dụng gạch tên bạn.
Với câu hỏi này, ứng viên cần tìm cho mình những điểm yếu thật nhưng không trái với yêu cầu của công ty. Ví như khi bạn phỏng vấn làm Sales, bạn không nên nói điểm yếu của mình là giao tiếp kém mà hãy chuyển câu trả lời sang một khía cạnh khác như cần nhiều thời gian để thích nghi môi trường mới. Việc đưa ra điểm yếu thật giúp bạn có cơ sở để chủ động nói về cách bạn kiểm soát và giải các điểm yếu của mình, gián tiếp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
“Em ứng tuyển vào công ty vì em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, sáng tạo …”
Những ứng viên khi xin việc thường sử dụng câu trả lời này khi được hỏi vì sao muốn vào công ty. Câu trả lời này nghe qua thì rất ổn, nhưng rất tiếc cũng không nhận được nhiều hảo cảm tư các nhà tuyển dụng.
Thế nào là một môi trường chuyên nghiệp? Bạn đã làm việc qua bao công ty, hiểu chuyên nghiệp là như thế nào? Chuyên nghiệp theo bạn là gì?
Chuyên nghiệp trong mỗi công ty là chế độ chính sách minh bạch, quy trình là việc rõ ràng, là mỗi nhân viên đều mang trên mình tinh thần trách nhiệm cao
Nếu chuyên nghiệp của các bạn là: “Công ty lớn, văn phòng đẹp. Lương cao, thưởng đều, nghỉ mát đầy đủ. Nhân viên ăn mặc đẹp, thơm tho. Sếp hiền như bà tiên, ông bụt. Không quản lý về thời gian, nhưng cũng đừng quản lý cả hiệu suất.” thì rất xin lỗi bạn đã hiểu sai rồi.
Chuyên nghiệp trong mỗi công ty là chế độ chính sách minh bạch, quy trình là việc rõ ràng, là mỗi nhân viên đều mang trên mình tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi một bộ phận trong công ty đều cần thiết, mỗi một con người là mắt xích quan trọng cho toàn bộ vận hành của công ty. Đó chính là chuyên nghiệp. Nếu bạn là một người thích sự chuyên nghiệp kiểu trên thì rất tiếc, nhà tuyển dụng sẽ tuyệt đối không nhận bạn vào. Vì rất có thể, chính vì định nghĩa về chuyên nghiệp của hai bên khác nhau mà bạn sẽ dứt áo ra đi bất cứ lúc nào, bỏ lại những gánh nặng cho các nhân viên khác.
Vì vậy, thay vì nói “em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp”, hãy tự hỏi “mình đã chuyên nghiệp đủ với môi trường đó hay chưa”.
“Em không quan trọng lương bổng, thứ em cần là kinh nghiệm…”
Bất cứ một ai đi làm trước hết đều để có thu nhập nuôi bản thân, dù cho với ai đó đây không phải là mục đích duy nhất. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì? Thứ nhất bạn chẳng thành thực gì trong câu nói này. Thứ hai, bạn e dè khi thương thảo về vấn đề thu nhập? Lý do tại sao bạn e dè? Có thể do bạn quá cần một công việc hiện nay?
Hãy thẳng thắn với nhà tuyển dụng về mức lương bạn mong muốn
Khi bản thân dễ dãi trong vấn đề lương thưởng, bạn đang tự đánh mất giá trị và sự công nhận mà người khác dành cho mình. Tiền lương bạn được trả sẽ dựa trên năng lực và sự cống hiến mà bạn mang lại. Chính vì vậy, hãy thẳng thắn với nhà tuyển dụng về mức lương bạn mong muốn, nếu nhà tuyển dụng nói mức giá đó là quá cao, hãy tự tin và nói rằng: “Năng lực của tôi và những gì tôi có thể làm được sẽ chứng minh cho quý công ty thấy mức lương đó là hợp lý”.
Cho dù bạn không thực sự quan tâm đến vấn đề lương bổng, bạn vẫn cần định giá bản thân, giá trị đó se ngày một tăng lên tỉ lệ thuận với số lượng kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy. Hãy để nhà tuyển dụng ấn tượng bởi sự tự tin mạnh mẽ của bản thân chứ không phải nhàm chán bởi những câu nói sáo rỗng mà hằng ngày họ đều phải nghe thấy.
|