Đây là lý do khiến bạn bị loại từ "vòng gửi xe" khi đi xin việc
Để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn hãy bỏ ngay các thông tin này ra khỏi Cv của mình, nếu không sẽ bị loại từ vòng "gửi xe".
Viết tắt, viết sai chính tả và ngữ pháp
Một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng đã nói rằng họ chỉ mất 6 giây để xem xét mỗi bản CV được gửi đến. Nên nếu trong 6 giây đầu tiên họ phát hiện có lỗi sai chính tả hay những cấu trúc ngữ pháp cơ bản thì CV đó sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Bạn đã không bỏ ra 2 giây đọc kĩ CV của mình trước khi gửi nghĩa là bạn không tôn trọng công việc này, vì thế họ cũng không muốn lãng phí thời gian quý giá của mình cho CV của bạn.
CV dài dòng lê thê
Tránh lan man dài dòng, hãy nói tất cả những điều bạn muốn bộc lộ vào trong CV. Ví dụ như bạn đã có nhiều trải nghiệm công việc khác nhau hay có nhiều kĩ năng hữu ích thì đừng vội kể hết ra theo danh sách từ A tới Z mà khôn khéo trình bày chúng theo từng nhóm một. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm bắt nội dung bạn truyền đạt cũng như thuận tiện cho người đọc CV của bạn.
Không trung thực
Bạn phải luôn trung thực trong bản sơ yếu lí lịch của mình. Sẽ thực sự phức tạp và rắc rối khi nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn đang nói dối. Cho dù bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà nhà tuyển dụng yêu cầu thì hãy cứ trung thực nói về điều đó và cho họ thấy rằng bạn có khả năng làm rất nhiều việc khác và là một người có năng lực.
Đề cập quá nhiều đến điểm yếu của mình
Đừng cho nhà tuyển dụng thấy rõ điểm yếu của bạn vì ấn tượng đầu tiên trong bản CV rất quan trọng. Nếu có thể bạn hãy tránh những câu hỏi về điểm yếu hoặc trả lời một cách thông minh như nêu ra điểm mạnh nhưng giải thích nó theo hướng khác đi. Ví dụ "điểm yếu của tôi là đôi khi tập trung quá nhiều vào công việc mà bỏ quên gia đình" hay "có lẽ tôi quá cầu toàn trong công việc nên thường hoàn thành xong chậm hơn dự định một chút",... Nếu bạn đang ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh thì đừng bao giờ nói với nhà tuyển dụng rằng bạn không biết cách giao tiếp với khách hàng như thế nào.
Địa chỉ email không phù hợp
Để tăng tính chuyên nghiệp và thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng đối với người tuyển dụng bạn nên cung cấp địa chỉ email dùng tên thật với ngày tháng năm sinh kiểu truyền thống. Và tuyệt đối không dùng email của công ty cũ để làm địa chỉ liên lạc.
Mục tiêu không liên quan
Bất kì một bản CV chuyên nghiệp nào cũng phải nêu bật được rõ mục tiêu trong công việc khi gửi tới nhà tuyển dụng và cho họ thấy họ cần những gì bạn có.Bạn sẽ không thành công nếu gửi cùng một CV cho nhiều nhà tuyển dụng khác nhau.
Lí do bạn rời công ty cũ
Không nên ghi lí do bạn rời công ty cũ trong CV, càng không bao giờ được đề cập tới những nguyên nhân kiểu như bị chèn ép, không thích công ty cũ, mâu thuẫn với đồng nghiệp… Bạn hãy để phần này trong buổi phỏng vấn nếu nhà tuyển dụng yêu cầu.
Thành tích không phù hợp
Nếu bạn chỉ mới tốt nghiệp đại học và vẫn cần dựa vào thành tích ở trường để xin việc, hãy chọn ra những thành tích đáng quan tâm nhất chứ đừng liệt kê toàn bộ các hoạt động.
Dùng ngôn từ bóng bẩy, sáo rỗng
Nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ bị ấn tượng bởi một hồ sơ dài dòng và màu mè đâu.
|