Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Nhà tuyển dụng cần làm gì khi năng lực ứng viên quá chênh lệch với CV
1. Họ chỉ chăm chăm nói về bản thân mình
Thông thường, các cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra theo hình thức một chuỗi các câu hỏi từ nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ trả lời theo thứ tự. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm ở đây là liệu ứng viên có chia sẻ thêm về môi trường làm việc, các cá nhân, con người hay văn hóa công ty không, hoặc họ chỉ huyên thuyên về chính bản thân mình.
Không phải ứng viên nào cũng “trung thực” trong quá trình tuyển dụng.
Trong bối cảnh một cuộc phỏng vấn, hoặc trong bất cứ một quá trình giao tiếp nào cũng vậy, cần có ít nhất một vài cái tên được gọi ra, đó có thể là cấp trên cũ, đồng nghiệp, các gương mặt xuất sắc, người truyền cảm hứng… Điều này cho thấy rằng ứng viên có cái nhìn bao quát và toàn diện với cách trả lời của mình. Việc chăm chăm vào bản thân và nói quá nhiều về thành tựu không đảm bảo cho bạn một ứng viên khiêm tốn và thật sự có năng lực.
Trên thực tế, những nhân sự cốt cáng nhất không cần mất thời gian để “quảng cáo” quá nhiều như vậy, họ thường sẽ quan tâm nhiều hơn đến những khía cạnh khác như liệu công ty có phù hợp hơn không, họ mong đợi điều gì tốt hơn ở công ty cũ, họ cần một người lãnh đạo như thế nào trong tương lai… Một ứng viên liên tục thuyết trình về cái tôi cá nhân trong buổi phỏng vấn có thể báo hiệu cho bạn sự không tự tin trong năng lực và và một dấu hiệu của sự chênh lệch kinh nghiệm trước và sau phỏng vấn.
2. Không thảo luận về những thiếu sót của họ
Câu trả lời cho tình huống “Bạn có thể chỉ ra một số điểm yếu của bản thân?” là chủ đề được nhiều ứng viên và nhà tuyển dụng quan tâm, trên thực tế, độ phù hợp của câu trả lời phụ thuộc nhiều vào chính bản thân nhà tuyển dụng. Thủ thuật trả lời theo cách lấy điểm tốt thành điểm yếu vốn đã quá quen thuộc và được nhiều ứng viên sử dụng như “Tôi là người quá cầu toàn” hay “Tôi là người kiên nhẫn quá mức”… Cách trả lời này thật ra không sai, nhưng trong đa số trường hợp ứng viên đang trả lời lảng tránh câu hỏi để không phải “khai” ra các tật xấu của mình.
Nếu ứng viên sử dụng quá nhiều câu trả lời kiểu đối phó như thế này, bạn có thể đưa ra đánh giá rằng ứng viên không trung thực với nhà tuyển dụng, rõ ràng họ hiểu rõ mục đích câu hỏi, nhưng lại lựa chọn cách trả lời không đáp ứng được yêu cầu. Cách trả lời phù hợp nhất là ứng viên nói ra được điểm yếu thật sự của mình, đưa ra một lời giải thích hợp lý và kèm theo các biện pháp cải thiện phù hợp. Rõ ràng, bạn sẽ thấy an tâm hơn nếu ứng viên sẵn sàng nói thật với bạn theo cách như “Tôi là người khá nóng tính trong công việc, tính cách của tôi hay làm mất lòng một số đồng nghiệp cũ khi công việc của team không đạt kết quả như mong muốn, nhưng tôi luôn tranh cãi và thẳng thắn với mọi người để tìm ra giải pháp chung vì công việc, chứ không vì vấn đề cá nhân.
3. Họ không chuyên nghiệp trong suốt quá trình phỏng vấn
Với vai trò nhà tuyển dụng, thật sự có quá nhiều cách để bạn bắt lỗi sự chuyên nghiệp của ứng viên, đó có thể là ngôn ngữ, tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt, đúng giờ, cắt ngang lời người khác… Các biểu hiện này tuy rất nhỏ và thường được “cho qua” (vì các nhà tuyển dụng không có nhiều thời giờ để đánh giá quá kỹ các ứng viên). Tuy nhiên bạn cũng cần biết rằng, môi trường làm việc sẽ ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của một nhân sự, do đó nếu họ không chuyên nghiệp hoặc phạm phải các lỗi quá căn bản, bạn có thể phần nào đánh giá năng lực thật sự của con người này ngay từ những biểu hiện đầu tiên.
Nếu bạn cảm thấy rằng các biểu hiện không chuyên nghiệp từ ứng viên là một trở ngại lớn cho công ty (ví dụ như các vị trí đòi hỏi giao thiệp rộng như sales hoặc truyền thông), bạn nên chú ý đưa họ vào “danh sách đen” để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của công ty và của cả hai bên. Bởi khi một cá nhân thật sự có năng lực, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến các tiểu tiết bên ngoài, cách trao đổi, tiếp cận và thuyết phục đối phương, hay còn gọi là tâm lý chiến. Do đó, nếu một CV bóng loáng kinh nghiệm và không đi kèm với một tác phong chuyên nghiệp phù hợp, rất có thể các ứng viên này đã thổi phồng quá mức năng lực thật sự của bản thân.
CV bóng loáng kinh nghiệm nhưng không đi kèm với một tác phong chuyên nghiệp.
4. Người quá hoàn hảo cho công việc
Công việc của nhà tuyển dụng là tìm kiếm các ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc, nhưng một nhân sự phù hợp đến 100% các yêu cầu đưa ra cũng là vấn đề bạn nên xem xét lại. Người quá hoàn hảo cho công việc có thể lấp đầy chiếc ghế trống trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ không có lợi về lâu dài, do các thông tin được đưa ra trùng khớp hoàn toàn với mong đợi từ công ty, bạn có quyền đặt câu hỏi là liệu các thông tin đó có xác thực không, hay ứng viên đã “vẽ” ra một hồ sơ hoàn hảo cho vị trí này?. Đó là chưa kể, các ứng viên quá hoàn hảo thường không cảm thấy nhiều thử thách trong công việc mới, mà tại một môi trường ít thử thách đồng nghĩa với khả năng thăng tiến không cao, do đó ứng viên có thể sẽ nhảy việc trong thời gian ngắn.
Có lẽ, không một nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển dụng một ứng viên không phù hợp và phải mất kha khá thời gian để nhận ra điều đó. Việc tuyển một nhân sự thiếu năng lực không chỉ gây nhiều trở ngại cho công việc, chính bản thân nhà tuyển dụng cũng sẽ mất đi uy tín khi tuyển không đúng người vào bộ phận của mình. Tác giả hi vọng rằng bài viết trên sẽ giúp bạn tránh được những trường hợp tương tự thế này và tuyển dụng được nhân sự phù hợp nhất.
|