Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Khát nhân lực du lịch tại miền Trung
Với tốc độ tăng trưởng khách hằng năm hơn 10% cùng sự cạnh tranh từ các thị trường lân cận, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, dự kiến đến năm 2020 du lịch Quảng Nam sẽ cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Trong khi đó, khả năng đào tạo đến năm 2020 chỉ khoảng 10 nghìn lao động.
Có thể nói, nguồn nhân lực du lịch của Quảng Nam hiện vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu về chuyên môn, trình độ quản lý, tay nghề nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là lao động quản lý trong các doanh nghiệp lớn. Các trường có đào tạo chuyên ngành du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc trong thực tế, chưa gắn kết được nhu cầu doanh nghiệp và đầu ra của nhà trường.
Tại TP Hội An (Quảng Nam), hầu như các công ty du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành,… lúc nào cũng ở tình trạng treo bảng tuyển dụng nhân sự thường xuyên. Các đơn vị tuyển dụng thì lúc nào cũng ở tình trạng “khát” nhân sự chất lượng cao. Nhiều đơn vị chấp nhận tuyển dụng cả những lao động chưa có kinh nghiệm và sẵn sàng bỏ kinh phí đào tạo lại nhưng vẫn không tìm đủ lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị khác thì đang “đau đầu” với việc người lao động “nhảy việc” do lao động đã có kinh nghiệm, có chuyên môn, được đào tạo lại bài bản luôn được các công ty cạnh tranh, “săn” với mức lương, ưu đãi hấp dẫn.
Tại Đà Nẵng, tình hình nhân lực du lịch cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực chất lượng cao. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay các trường đào tạo về ngành du lịch tại Đà Nẵng chỉcung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người, trong khi đó theo định hướng đến năm 2020 Đà Nẵng có khoảng hơn 20.000 phòng khách sạn 4 – 5 sao, ước tính cần thêm 40.000 lao động. Điều này dẫn đến hiện trạng khan hiếm nguồn lao động, cầu vượt xa quá mức so với cung tạo ra mức lương ảo trong ngành du lịch, gây sức ép lên chi phí hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ nhân viên đang công tác tại các đơn vị trong khu vực. Trong thời gian đến, nhiều dự án du lịch lớn ở Quảng Nam, Đà Nẵng đi vào hoạt động thìtình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch sẽ gay gắt hơn. Giữa các doanh nghiệp bây giờ không chỉ cạnh tranh vềchất lượng dịch vụ mà còn cạnh tranh cả chất lượng lao động.
Tại diễn đàn “Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” được tổ chức tại Quảng Nam vào hồi tháng 6.2017, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng nhìn nhận một trong những rào cản thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành tại khu vực này chính là hệ thống chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Theo ông Kỳ, dù nhiều tiềm năng, nhưng du lịch miền Trung vẫn chưa phát triển đúng kỳ vọng mà khiếm khuyết chủ yếu là do nút thắt nguồn nhân lực chưa được tháo gỡ.
Đề xuất những giải pháp trong việc phát triển du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cải thiện hệ thống chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, theo ông Kỳ thì Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ “Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch. Tuy nhiên, bộ tài liệu chuẩn này chưa được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là hệ thống đào tạo tại các tỉnh, thành trong khu vực. Vì vậy, các địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung cần nhanh chóng triển khai và sớm áp dụng bộ tiêu chí này đưa vào chương trình giảng dạy chuyên ngành du lịch lữ hành với mục tiêu cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và UBND tỉnh Quảng Nam vào cuối tháng 7.2017 vừa qua, đại diện tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan nên sớm ban hành bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia để có căn cứ đánh giá chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch cũng như hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề du lịch thống nhất về nội dung trên cả nước. Đồng thời xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong công tác đào tạo bồi dưỡng lao động tại các xã miền núi và các xã đảo.
Được biết, Sở VHTTDL Quảng Nam cũng đang soạn thảo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017-2020 trình UBND tỉnh thông qua. Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% số lao động tại các doanh nghiệp du lịch, khu – điểm du lịch trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề cơ bản, thiết yếu như nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, phục vụ bàn, thuyết minh viên. Để đạt mục tiêu đặt ra, đềán cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình đào tạo. Trong đó, tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Trong các giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2025, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đặt ra các yêu cầu cần triển khai trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch như: Rà soát đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp,… Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch đi đôi với giáo dục về du lịch cho cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ, có chính sách thu hút nhân tài có chuyên môn cao trong hoạt động du lịch. Dành diện tích đất để xây dựng các trường du lịch, chú trọng mô hình đào tạo theo hình thức Trường – Khách sạn – Nhà hàng,…
|