Không có cơ hội cho kẻ lười biếng
Đây đã là lần thứ ba Thi xin tôi cho cô cơ hội. Nhưng tôi đã dặn lòng không được để tình cảm chen vào công việc.
Trước đây tôi đã hai lần sai lầm khi đề xuất lãnh đạo cho Thi cơ hội làm lại vì cô rất có tiềm năng. Thế nhưng tôi đã lầm hoặc là Thi quá ỷ lại, không quan tâm đến sự mong mỏi của tôi và đồng nghiệp.
Tuần trước, bộ phận nơi Thi làm việc có văn bản trả Thi về phòng nhân sự với lý do liên tục không hoàn thành nhiệm vụ. Trong bảng đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên, liên tục trong 2 tháng Thi không đạt định mức. Khi được đồng nghiệp nhắc nhở, cô ậm ừ có vẻ tiếp thu nhưng sau đó chẳng có tiến bộ gì. Anh trưởng bộ phận là người ít nói, chỉ gửi mail nhắc nhở riêng. Trong các bức email trao đổi qua lại, Thi luôn hứa sẽ cố gắng "để không phụ lòng tin của anh và lãnh đạo".
Thật sự là Thi rất có năng lực. Mỗi lần bị dọa cho nghỉ việc thì cô lại hoàn thành công việc một cách xuất sắc nhưng sau đó lại bỏ lơ. Yêu cầu xây dựng kế hoạch thì bao giờ cũng trễ hẹn, giao doanh số thì chỉ đạt được 50%, yêu cầu phát triển mạng lưới khách hàng thì nói không làm được vì mình không có tài ăn nói, phân công kiểm tra hàng hóa đơn hàng của nhân viên giao hàng thì kêu công việc nhàm chán… Việc mà Thi làm tốt nhất là lên Facebook "review" các quán ăn, quán trà sữa để lấy mã giảm giá.
"Em hứa lần này sẽ sửa đổi để không phụ lòng các anh chị" - Thi nhìn tôi vẻ cầu khẩn. Tôi lắc đầu: "Em không thích hợp để làm việc ở đây. Mọi người đã đủ kiên trì với em rồi và họ không mong muốn có một đồng nghiệp luôn làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung của bộ phận".
Nói được câu này tôi thở hắt ra như trút được gánh nặng.
Qua chuyện này tôi muốn nói với Thi và các em nhân viên rằng khi được tuyển dụng vào một vị trí nào đó của doanh nghiệp thì điều quan trọng để tồn tại là hoàn thành tốt công việc chính của mình chứ ngoại hình đẹp, hát hay, đàn giỏi, uống rượu cừ khôi… không phải là thứ có thể bảo đảm rằng mình không bao giờ bị sa thải.
|