Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Lao động phi chính thức: Thu nhập thấp, lại còn bị "o ép"
Có một bộ phận không nhỏ lao động phi chính thức phải làm việc trên vỉa hè, lề đường... Công việc của họ chỉ thoả thuận bằng miệng và thu nhập rất thấp. Đặc biệt, nhóm lao động này yếu thế trong thoả thuận tiền lương, chế độ phúc lợi...
Ngày 4.10, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT) - công bố báo cáo lao động phi chính thức (PCT) cho biết, năm 2016, Việt Nam có khoảng 18 triệu người là lao động PCT, trong đó nữ là 7,8 triệu người. Tuy nhiên, lao động PCT có cả trong khu vực chính thức. Năm 2016 trong tổng số 16,139 triệu người làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 (5,433 triệu người) là lao động PCT. Nói cách khác, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức vẫn còn một lao động PCT.
Cũng theo bà Mai, một số lao động Việt Nam bắt đầu làm việc ở giai đoạn mới trưởng thành (15-24 tuổi) với những việc làm PCT trước khi tìm được việc làm chính thức ở tuổi trung niên (25-54 tuổi). Sau đó, họ lại quay trở về với những việc làm PCT khi về già.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động PCT chỉ chiếm 14,8%. Họ chủ yếu - (khoảng 70%) làm trong ngành công nghệ chế biến, chế tạo, xây dựng và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Đây là những lĩnh vực sử dụng lao động giản đơn, điều kiện lao động không đảm bảo, việc không ổn định…
Đặc biệt, theo bà Mai, tiền lương bình quân của lao động PCT là 4,44 triệu đồng/tháng. Mức tiền lương này cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu vùng IV, và chỉ cao hơn 12,6% tiền lương tối thiểu vùng I.
Có thể thấy rằng, với mức tiền lương này, người lao động rất khó đảm bảo cuộc sống cho mình và nuôi sống gia đình.
Một điểm quan trọng khác đó là vẫn còn ¾ số lao động PCT làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Trong đó, 62,1% có thoả thuận miệng và 14,6% không có bất cứ thoả thuận nào.
Về điều này TS Đào Quang Vinh – Viện Khoa học lao động và xã hội – nhận định, thực tế trên có thể nói người lao động PCT luôn ở trong tình trạng không đảm bảo về việc làm, yếu thế trong thoả thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được đảm bảo đầy đủ các điều kiện lao động.
Cũng theo TS Vinh, chỉ có 0,2% lao động PCT tham gia BHXH bắt buộc và 1,9% tham gia BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia BHXH. Trong khi đó, 80,5% lao động chính thức tham gia BHXH bắt buộc.
TS Vinh nhấn mạnh rằng, rất nhiều nội dung của luật lao động chưa triển khai tới khu vực lao động PCT đồng thời đưa ra các khuyến nghị khắc phục tình trạng trên…
Báo cáo "Lao động phi chính thức năm 2016" lần đầu tiên sử dụng khung phân loại của ILO, và cơ sở dữ liệu điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện.
|