Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Lương và “lậu” của công chức
Lương công chức hiện nay cao hay thấp? Có người cho rằng nó quá cao, nếu so với năng suất lao động của công chức hiện nay; có người cho rằng “ăn thế, thì làm thế” và “làm thế, thì ăn thế” có nghĩa là lương cũng phù hợp với cung cách làm việc của công chức.
Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng lương công chức quá thấp - “thấp” là so với nhu cầu chi tiêu cho tái sản xuất sức lao động, cũng là thấp nếu so với mức lương của những người cùng trình độ nhưng làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, đã có những hiện tượng gọi là “chảy máu chất xám”.
Lương thấp, nhưng có người vẫn “sống tốt”
Thực tế cho thấy, bộ máy nhà nước không thu hút được người tài có nhiều nguyên nhân đã được phân tích: có nguyên nhân do môi trường làm việc không thuận; do việc sử dụng, bố trí công việc không đúng người, đúng chỗ; do thiếu điều kiện để công chức thăng tiến bằng năng lực thực sự của họ… nhưng một nguyên nhân không thể xem nhẹ: đó là lương quá thấp.
Bộ máy nhà nước không thu hút được người tài hoặc không phát huy được người tài đang làm cho chất lượng hoạt động của bộ máy giảm sút, tác động không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy.
Đáng quan tâm là trong bộ máy nhà nước hiện nay, cũng có những người đang sống khá tốt, có tích lũy khá, có ôtô riêng, có biệt thự sang trọng, đầy đủ tiện nghi mà với mức lương của họ, không thể nào có được. Tức là họ có những khoản thu nhập ngoài lương, những “đặc lợi” nhiều khi gấp nhiều lần so với lương chính thức. Những khoản thu nhập này có loại chính đáng, nhưng không ít loại không chính đáng và lớn hơn rất nhiều so với loại thu nhập chính đáng.
Những thu nhập ngoài lương này rất cao và không có giới hạn, không minh bạch, không kiểm soát được, đang diễn biến rất tinh vi, muôn hình vạn trạng. Thực chất là các dạng tham nhũng của công chức khi có quyền lực trong tay, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ở trong các lĩnh vực khác, như hành chính, văn hóa, xã hội…
Tình trạng này, nhiều nơi có, nhiều người biết, nhưng do nhiều lý do tế nhị, không thể chỉ đích danh được. Có thể khái quát những loại thu nhập không chính đáng ngoài lương bắt nguồn từ quyền lực, cụ thể là từ những người có chức quyền như sau.
- Những người có quyền cấp đất cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thuế đất; lợi dụng quyền lực để cấp đất cho mình, cho người trong gia đình; dùng đất để “ngoại giao”, biếu cấp trên.
- Những người có quyền phê duyệt các loại dự án (nhất là dự án đầu tư, kể cả trong kinh tế và trong văn hóa), có quyền cho sử dụng vốn ODA; họ được hưởng “lại quả”; thường có đường dây “chạy dự án”.
- Những người có quyền chỉ định ngân hàng cho vay tiền đối với những doanh nghiệp hoặc dự án, có quyền cho khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành vốn nhà nước cấp; đương sự cần trả “hoa hồng” tùy theo số tiền nhận được.
- Những người có quyền quy định mức thuế mà cá nhân hoặc doanh nghiệp phải nộp; nhiều trường hợp “thoái thu” tiền thuế rất khó khăn, cần “lót tay”.
- Những người có quyền xử phạt hành chính những lỗi vi phạm trong kinh doanh, trong giao thông, vận tải (quản lý thị trường, cảnh sát giao thông, trật tự đô thị…); có những trường hợp “cưa đôi” ngay tại địa điểm xử phạt.
- Những người có quyền bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, dẫn đến tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, hoặc người có quyền can thiệp vào việc xét xử của tòa án, dẫn đến “chạy tù”, “chạy tội”; v.v…
Kiểm soát quyền lực, đổi mới chế độ tiền lương
Có thể nói: những thu nhập ngoài lương không chính đáng thường có nguồn gốc là quyền lực; người có quyền lực dựa vào vị thế của mình để trục lợi, quyền lực càng cao thì thu nhập bất chính càng dễ lớn; thế nên mới xuất hiện loại “kinh doanh quyền lực”.
Trong thực tế, khi quyền lực (thể hiện bằng chức vụ) trở thành hàng hóa, có thể “mua, bán”, thì người bỏ tiền ra mua chức vụ (chức vụ càng cao thì giá càng đắt) phải tìm mọi cách để “thu hồi vốn” và có lãi; lại phải thực hiện ngay trong nhiệm kỳ (từ đó, nảy sinh “tư duy nhiệm kỳ”, tranh thủ vơ vét trong nhiệm kỳ). Khi quyền lực không bị kiểm soát, thì người có quyền lực thường có khuynh hướng “tối đa hóa quyền lực” để tận hưởng những đặc quyền, đặc lợi.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng sử dụng quyền lực để thu vét những khoản thu nhập không chính đáng ngoài lương, trước hết, phải hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường, tức là xóa bỏ nguồn gốc của những đặc lợi bắt nguồn từ quyền lực. Cần xác định rõ chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường; hình thành cụ thể các loại thị trường của nền kinh tế, phân biệt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quyền lực và phạm vi hành xử của công chức; giảm thiểu sự can thiệp bằng biện pháp hành chính làm méo mó thị trường.
Văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng một cách dân chủ, có sự tham gia của dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước “cài cắm” vào văn bản quy phạm pháp luật những điều khoản mà họ có thể dựa vào đó để trục lợi.
Quan trọng nhất là các quy định phải được công bố công khai, rộng rãi, để dân và doanh nghiệp dễ giám sát việc thực hiện. Việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết để xóa bỏ một nguồn khá lớn cung cấp các khoản thu nhập không chính đáng cho quan chức nhà nước.
Đổi mới một cách cơ bản tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và công tác cán bộ, công chức, sao cho tinh gọn, tránh trùng lắp, chồng chéo và nhất là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành. Nếu bộ máy nhà nước phình to, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá nhiều và không hợp lý, thì ngân sách nhà nước không thể chịu nổi việc cải cách chế độ tiền lương. Cần tách số người làm việc trong khu vực sự nghiệp ra ngoài danh sách công chức.
Những người làm việc trong các đoàn thể chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không phải là công chức, không nên để trong biên chế nhà nước và hưởng lương từ ngân sách; nếu cần, Nhà nước có thể cấp cho một số tổ chức này một khoản kinh phí để họ tự bố trí bộ máy và thu nhập cho nhân viên. Đồng thời, sửa đổi cơ chế quản lý công chức: từ việc tuyển dụng cho đến giáo dục đạo đức công vụ, sử dụng, đãi ngộ… thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Hệ thống tiền lương phải bảo đảm trả đúng, trả đủ giá trị sức lao động của công chức trong bộ máy nhà nước (có tính đến mối tương quan với tiền lương của khu vực ngoài nhà nước), bảo đảm thu hút và giữ nhân tài; tiền tệ hóa các khoản thu nhập chính đáng; mở rộng bội số tiền lương… nhằm khuyến khích mạnh mẽ công chức yên tâm làm việc trong bộ máy nhà nước, tận tụy làm việc, tiếp tục thăng tiến theo trình độ, khả năng của bản thân và hưởng thụ theo khả năng của bản thân, không cần tham nhũng và cũng không thể tham nhũng. Xóa bỏ những khoản thu không chính đáng, hợp pháp hóa những khoản thu nhập chính đáng; hoàn chỉnh hệ thống phụ cấp ngoài lương.
Cần tiền tệ hóa, đưa vào lương những khoản thu nhập liên quan đến điều kiện làm việc của công chức, như nhà ở, phương tiện đi lại, sử dụng điện, điện thoại… Những khoản thu của công chức trong nghiên cứu khoa học, tham gia các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề… là những khoản thu chính đáng, thể hiện sự đánh giá của xã hội đối với tài năng, trí tuệ của nhà khoa học, nên khuyến khích, không nên hạn chế.
Cuối cùng là việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các cơ chế, chính sách quản lý về tiền lương và thu nhập, để phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, có thể dẫn đến tình trạng trục lợi bất chính; hoặc những trường hợp cơ quan, địa phương tự đề ra những khoản phụ cấp (thành văn hoặc bất thành văn) để áp dụng riêng cho cơ quan, địa phương, gây ra bất công trong thu nhập của công chức, bất công giữa các cơ quan, các địa phương.
Nói cách khác, đây chính là việc giám sát quyền lực, giám sát các khoản thu nhập của công chức, vừa khẳng định phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước làm đúng chức năng, nhiệm vụ; vừa làm trong sạch đội ngũ công chức, để công chức thực sự là người phục vụ dân và doanh nghiệp, được hưởng thu nhập đúng với hiệu quả công việc của mình, góp phần chống tham nhũng. Trong việc này, nếu chỉ cơ quan nhà nước kiểm tra lẫn nhau thì rất dễ xảy ra nể nang, xuê xoa, vì vậy, rất cần sự kiểm tra, giám sát của dân và doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội dân sự.
|