Những sai lầm của doanh nghiệp trẻ trong tuyển dụng
Đối với các doanh nghiệp trẻ, nếu tuyển dụng người không thích hợp có thể làm giảm hiệu quả làm việc chung từ 25 đến 50%. Brad Sugars – một chuyên gia khởi nghiệp, cây bút thường xuyên của chuyên mục "Khởi nghiệp" của tạp chí Entrepreneur – cho rằng hầu hết các vấn đề liên quan đến tuyển dụng đều xuất phát từ nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp trẻ muốn cắt giảm chi phí hoặc không có một tầm nhìn nên thường mắc phải những sai lầm sau đây trong tuyển dụng nhân sự:
1. Tuyển dụng nhân viên đơn giản quen biết từ trước
Đó là việc tuyển dụng bạn bè, đồng nghiệp cũ, các thành viên của gia đình hay thậm chí con cái của mình. Thế giới công việc đòi hỏi một số nguyên tắc làm việc nhất định: tính khách quan, sự tin cậy và minh bạch. Trong khi đó, nếu những người thân và bạn bè luôn mong muốn được đối xử theo một chuẩn mực khác thì sẽ là một nguy cơ đối với doanh nghiệp.
Giải quyết khiếu nại khách hàng sao cho hợp lý, cùng đọc ngay nào
2. Tuyển dụng để giải quyết khó khăn cho ai đó
Một số chủ doanh nghiệp thường muốn thể hiện tính hào hiệp bằng cách tạo ra một công việc cho ai đó để giúp người ấy thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Nhưng như vậy có thể sẽ không "cứu" được việc kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ nên tuyển dụng một người có khả năng tạo ra thêm giá trị cho công ty và các hoạt động của nó.
3. Mời một người làm đối tác vì doanh nghiệp không có đủ khả năng thuê họ
Trường hợp này thường xảy ra khi doanh nghiệp cần đến các chuyên gia. Tuy nhiên, cách làm này có thể dẫn đến những xung đột về lợi ích và đường hướng trong kinh doanh. Vì vậy, thay vì mời các chuyên gia làm đối tác thì nên thuê họ thực hiện một số dự án theo hợp đồng có thời hạn. Cách làm này sẽ tạo cho doanh nghiệp quyền chủ động trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình.
4. Tuyển dụng những người không có chuyên môn rõ ràng
Đó là những người cái gì cũng biết nhưng chỉ biết rất hời hợt. Sự vận hành của một doanh nghiệp đòi hỏi phải có những bộ phận chức năng khác nhau được đảm nhiệm bởi những người có trình độ chuyên môn phù hợp. Chẳng hạn, thay vì tuyển một người vừa làm kế toán vừa phụ trách các công việc hành chính, nên cân nhắc tuyển dụng hai người khác nhau đảm nhiệm hai công việc này.
5. Tuyển dụng từ trên xuống thay vì từ dưới lên
Việc tuyển dụng từ trên xuống dẫn đến trường hợp các nhân viên chỉ biết chung chung mà không làm được những công việc cụ thể. Tuyển dụng từ dưới lên có nghĩa là tìm những người có những kỹ năng cụ thể phục vụ cho những công việc cụ thể. Những công việc ở nấc dưới trong bộ máy tổ chức của doanh nghiệp thường là những công việc mất nhiều thời gian nhưng được trả lương không cao. Tuyển dụng được những nhân viên như vậy sẽ giúp chủ doanh nghiệp giải phóng khỏi những công việc mất nhiều thời gian, đồng thời giúp các nhân viên có cơ hội phát triển đúng chuyên môn của mình và tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.
6. Không hiểu biết hết về công việc mà mình đang cần tuyển dụng
Đó là trường hợp doanh nghiệp chỉ vội vàng "lấp đầy chỗ trống" trong bộ máy tổ chức mà không thật sự hiểu biết về công việc đang cần người đảm nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, cần phải xây dựng bản mô tả công việc, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, các công việc cụ thể cần thực hiện đối với từng vị trí cần tuyển dụng.
7. Tuyển người để làm công việc mà mình không thích
Thay vào đó, nên nghĩ rằng việc tuyển dụng là để tìm những người có thể làm tốt nhất công việc đang chờ họ. Nếu chủ doanh nghiệp là người làm tốt nhất một công việc nào đó thì anh ta vẫn nên tiếp tục công việc này, dù có thích hay không, cho đến khi tìm được một người thay thế có khả năng làm tốt công việc đó thật sự.
|