Google – Làm nhiều dù sai vẫn được tuyên dương
Áp dụng thành công cho gần 74.000 nhân viên của mình, văn hóa Google là một trong những bí quyết thành công của tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới này.
Quá trình phỏng vấn để chọn ra những thành viên thông minh nhất
Google nhận được hơn 1 triệu đơn xin việc mỗi năm, và trong số đó chỉ 0,5% được chọn.
Và điều đặc biệt ở đây là Google cực kỳ khắt khe trong quy trình phỏng vấn, ứng viên không chỉ được kiểm tra kiến thức chuyên môn của mình mà còn được thử thách về các câu hỏi suy luận và phải chứng minh được sự sáng tạo của cá nhân.
Các buổi phỏng vấn của Google thường có những câu hỏi hóc búa kiểu như “Một chiếc xe buýt chứa được bao nhiêu quả banh golf?” hay “Nếu bị thu nhỏ lại bằng một đồng xu và bị ném vào máy xay sinh tố. Trong 60 giây trước khi máy khởi động, bạn sẽ làm gì?”
Ngoài ra thì Google còn tận dụng mạng lưới Google Search của mình để “săn” nhân tài. Một kỹ sư IT trong lúc tìm kiếm thông tin về ngôn ngữ lập trình đã mở ra một “cánh cửa bí mật” ngay trên trang kết quả của Google, hé lộ dòng chữ “Bạn có cùng ngôn ngữ với chúng tôi. Bạn có sẵn sàng đón nhận thử thách?”
Quá trình tuyển dụng trên cho phép Google chọn ra được những nhân tài nổi bật nhất trong “cơn lũ” ứng viên tràn về mỗi năm. Những thành viên xuất sắc này sau đó sẽ góp phần làm đa dạng hóa môi trường làm việc đầy năng động và sáng tạo tại Google.
Biến Nhân sự trở thành một môn khoa học
Sử dụng các dữ liệu phân tích để tối ưu hóa tiềm năng của một nhân viên là một trong những điểm đặc biệt của môi trường làm việc tại Google.
Google có hẳn một phòng ban Điều phối Nhân sự chuyên sử dụng các dữ liệu thu thập được để phân tích và đưa ra các quyết định nhân sự cho từng nhân viên.
Từ các thuật toán về hiệu quả làm việc để dự đoán nhân viên nào sắp rời khỏi công ty, đến các bài nghiên cứu về hình dạng và kích thước tối ưu của bàn ăn trong khu căn tin, Google dẫn đầu thế giới trong việc thúc đẩy và sử dụng hết tài năng của nhân viên mình.
Một ví dụ điển hình là ở tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên nữ, sau khi phát hiện tỷ lệ này có dấu hiệu gia tăng, Google lập tức tiếp cận và phỏng vấn các nhân viên của mình và được biết đa phần là do chính sách hậu sản của công ty. Ngay lập tức, Google tăng số ngày nghỉ có lương sau khi sinh từ 12 tuần lên thành 5 tháng, tỷ lệ nghỉ việc của nữ giới ngay lập tức giảm hơn 50%!
Đối với một tập đoàn công nghệ và hoạt động dựa vào số liệu như Google, việc công ty luôn chú ý đến từng thay đổi nhỏ nhất của nhân viên đã tạo nên một môi trường làm việc linh hoạt và tuyệt vời nhất có thể.
Môi trường làm việc “phẳng”
Với số lượng quản lý được giữ ở mức tối thiểu, Google đã tạo ra một môi trường “mở và phẳng” để cho tất cả nhân viên có cơ hội nói lên ý kiến cá nhân của mình. Nhân viên luôn có cơ hội tham gia các cuộc thảo luận có ảnh hưởng trực tiếp tới công ty.
Tuy việc làm này có thể dẫn tới việc “9 người 10 ý”, nhưng Google không ngần ngại lắng nghe ý kiến của nhân viên vì nó sẽ thúc đẩy cảm giác được trân trọng và sẽ góp phần gia tăng động lực làm việc của mọi người.
Laszlo Bock, Phó giám đốc bộ phận Điều phối Nhân sự đã chia sẻ:
“Nếu quản lý khéo léo, việc đón nhận ý kiến của nhiều người sẽ không dẫn tới tình trạng “9 người 10 ý” mà thay vào đó là một cuộc thảo luận sôi nổi với rất nhiều dữ liệu để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Và khi một quyết định được đưa ra, tất cả mọi người sẽ có đủ thông tin để hiểu và tôn trọng kết quả này, kể cả những người từng phản đối.”
Không chỉ tầm nhìn công ty mà là tầm nhìn của nhân viên
Khi mới đi vào hoạt động, những nhà thành lập của Google đưa ra danh sách “10 thứ chúng ta nghĩ là đúng” để tạo nên một tiền đề vững chắc cho văn hóa công ty.
Danh sách này bao gồm các điều như “Tốt nhất là nên làm một thứ thật sự, thật sự tốt” và “Nhanh vẫn tốt hơn là chậm” … tất cả các điều này được phòng nhân sự đưa vào các hoạt động giới thiệu, huấn luyện và chính sách công ty để nó trở thành kim chỉ nam của từng nhân viên.
Và trong số đó là niềm đam mê sáng tạo và phát triển không ngừng. Larry Page, CEO của Google, luôn tỏ ra không hài lòng khi tập đoàn đang có rất nhiều nguồn lực nhưng vẫn chưa sử dụng hết qua các dự án đang có.
Từ quản lý cấp cao nhất cho đến những nhân viên mới vào, niềm đam mê sáng tạo luôn tạo nên một động lực cho mọi người, tầm nhìn của công ty qua đó cũng trở thành tầm nhìn của từng nhân viên.
Rất dễ để một công ty có thể viết ra tầm nhìn và định hướng cho riêng mình. Nhưng để cho mọi nhân viên chia sẻ được định hướng công ty là một chuyện rất khó, đòi hỏi phòng nhân sự phải tạo ra một môi trường đặc biệt như Google.
Tuyên dương sự cống hiến của nhân viên – dù lớn hay nhỏ
Google nhận ra rằng việc công nhận và tuyên dương là cách tốt nhất để tăng tinh thần làm việc cũng như thúc đẩy nhân viên cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty.
Các giải thưởng từ Google thường rất hấp dẫn với tiền mặt và cổ phiếu. Nhưng đặc biệt là, không chỉ khen thưởng những cống hiến, Google còn tuyên dương những dự án thất bại vì sản phẩm của Google luôn “trong quá trình chạy thử” – lỗi lầm sẽ khiến chúng hoạt động tốt hơn.
Trước khi trở thành COO của Facebook, Sheryl Sandberg là một phó giám đốc tại Google với trách nhiệm quản lý hệ thống quảng cáo tự động. Khi Sheryl phạm phải một lỗi nghiêm trọng kiến Google thiệt hại hàng triệu USD doanh thu, nhà sáng lập Larry Page đã phản hồi: “Tôi rất mừng vì chị đã phạm phải sai lầm này, bởi vì tôi muốn quản lý một công ty phát triển thật nhanh qua việc làm thật nhiều, chứ không phải là một công ty cẩn trọng và làm ít. Nếu chúng ta không phạm phải sai lầm nào, chúng ta đang không chấp nhận rủi ro để phát triển.”
Và từ đó, sự tuyên dương của Google đã tạo ra một môi trường làm việc can đảm và “máu lửa” cho mọi nhân viên, khi họ sẵn sàng đối mặt với các rủi ro để cùng công ty phát triển.
|