Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Lao động trên 35 tuổi và khoảng trống pháp luật
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp khuyến khích người lao động (NLĐ) trên 35 tuổi “về một cục”. Tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi đã để lại hệ lụy vô cùng lớn, làm ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội.
Đáng báo động
Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố phía Nam đang có tình trạng doanh nghiệp khuyến khích những người lao động lớn tuổi nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng đổi lại người lao động sẽ nhận từ doanh nghiệp một khoản tiền lớn.
Ngay tại tỉnh Đồng Nai, không ít doanh nghiệp đưa ra chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi nghỉ việc bằng khoản hỗ trợ với tên gọi khá hấp dẫn “ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc”.
Theo đó, những người có thâm niên lâu năm có thể nhận các khoản hỗ trợ riêng của công ty với số tiền có thể lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí còn được chủ doanh nghiệp hứa đảm bảo các chế độ khác. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng nửa năm nghỉ việc, nhiều người mới thực sự vỡ mộng, bởi đại đa số không kiếm được việc làm mới, nên cuộc sống khá vất vả.
Về vấn đề này ông Lê Đình Quảng- Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng thực tế hiện tượng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi (sau tuổi 35 với nữ và 40 với nam) là có thật. Tình trạng này đã diễn ra từ cách đây 7 năm nay, những năm gần đây diễn ra phổ biến hơn.
Ông Quảng cho biết, bằng thông tin hệ thống công đoàn, qua khảo sát điều tra ở 64 doanh nghiệp và khu công nghiệp cho thấy số công nhân lao động làm việc doanh nghiệp trung bình từ 6-7 năm. Số lao động từ trên 35 tuổi trở lên làm việc tại khu công nghiệp - khu chế xuất rất ít.
“Số lao động bị đào thải sau tuổi 35 chủ yếu lao động trực tiếp, chủ yếu làm trong khu vực có cường độ lao động cao, số lượng lao động nhiều. Do đó khi ở tuổi sau 35 sức khỏe, nhanh nhạy giảm nên việc ứng dụng công nghệ khoa học tăng năng suất lao động rất khó. Trong lúc đó chi phí về bảo hiểm xã hội, chi phí về tiền lương và các chi phí khác cao hơn, từ đó doanh nghiệp có nhiều chính sách, nhiều biện pháp để đẩy số người lao động này ra ngoài doanh nghiệp”- ông Quảng cho biết.
Ai bảo vệ?
Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Sở dĩ có tình trạng trên là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ. Theo Bộ luật Lao động, hiện có 3 loại Hợp đồng lao động (HĐLĐ) (không xác định thời hạn, xác định thời hạn từ 1- 36 tháng, hợp đồng dưới 3 tháng). Với HĐLĐ không xác định thời hạn, do công việc từ 36 tháng trở lên không xác định thời gian kết thúc nên buộc đơn vị phải ký không thời hạn. Thế nhưng, với công việc chỉ có nhu cầu thuê 36 tháng và sau đó không cần nữa, thì doanh nghiệp có quyền chấm dứt HĐLĐ.
Cũng theo ông Tùng, vấn đề chính ở đây là NLĐ làm việc trực tiếp tại xưởng sản xuất, chủ SDLĐ chỉ có nhu cầu thuê 36 tháng, nên rất khó cho việc xử lý.
Khi được hỏi về giải pháp bảo vệ NLĐ, tại buổi họp báo định kỳ về BHXH ngày 26/7, ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết: Ngành BHXH không làm gì được mà phải đòi hỏi chính sách vĩ mô. Chẳng hạn như hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang có nội dung chi trả về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ để nhằm khắc phục tình trạng NLĐ bị đào thải do không thích ứng kịp với công nghệ mới.Tuy nhiên đến nay nội dung chi này chưa có.
Ở góc độ khác, ông Quảng cũng cho rằng, dù theo quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam 60, nữ 55 tuổi nhưng ở một số doanh nghiệp nữ sau 35 tuổi, nam sau 40 tuổi đã bị doanh nghiệp thải loại gây ra lãng phí nguồn lực lao động. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này, ông Quảng cho rằng, rất khó bởi lao động – việc làm được xây dựng trên cơ chế thị trường, linh hoạt tự nguyện nên không thể ép buộc.
Do đó, giải pháp tăng cường tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động gắn bó làm việc lâu năm. Cả thời trẻ gắn bó đóng góp cho doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Mặt khác ngành chức năng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát để làm sao để xử lý doanh nghiệp tự chấm dứt hợp đồng lao động, thải loại lao động lớn tuổi.
|