Khi các công ty chuyển đổi cơ cấu hoặc tái cấu trúc, lập ra ban lãnh đạo mới hoặc lâm vào tình trạng khó khăn, họ thường đưa ra những quyết định có ảnh hưởng lớn đến nhân viên của mình.
Các công ty trước đây từng cho phép làm việc từ xa như Yahoo, Best Buy và Reddit đều đã thay đổi chính sách và buộc mọi nhân viên phải đến văn phòng làm việc. Gần đây, IBM cũng quyết định ngừng chính sách làm việc từ xa của bộ phận Marketing ở Mỹ, và dự kiến sẽ mở rộng chính sách ra trong tương lai.
IBM tin rằng tập hợp mọi nhân viên trong một văn phòng sẽ giúp quá trình giám sát dễ dàng hơn, văn hóa công ty mạnh mẽ hơn, quan hệ công việc được cải thiện và tư duy sáng tạo được củng cố.
Mặc dù họ có lý và mục đích tốt, nhưng rõ ràng nhân viên ở đâu cũng muốn có sự linh hoạt. Và yếu tố này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có nhiều kết quả tích cực đối với sự gắn kết của, năng suất lao động và tình trạng sức khỏe của nhân viên.
Vấn đề làm việc từ xa bao lâu nay vẫn luôn đi kèm với một “điều tiếng” không hay, đó là những yếu tố gây mất tập trung thường xuất hiện trong môi trường thoải mái ở nhà. Trong một nghiên cứu ở phạm vi toàn cầu với hơn 25.000 nhân viên, công ty công nghệ Polycom cho biết 62% những người làm việc từ xa đều sợ rằng các đồng nghiệp nghĩ là họ chỉ xả hơi và không chăm chỉ như những người ngồi ở văn phòng.
Một người hiện đang làm việc từ xa cho biết, các đồng nghiệp của anh nghĩ rằng anh chỉ xem TV, chơi điện tử và ngủ chứ chẳng làm việc gì cả. Những người chưa từng làm việc từ xa hoặc hay bị phân tâm đều nghĩ rằng những người kia chỉ là loại lười nhác, không biết cách giao tiếp và không hạnh phúc. Khi bạn không có sự tương tác hoặc thân thiết với nhóm của mình, nhiều khả năng bạn sẽ bị coi là cô lập và không đóng góp được nhiều. Trên thực tế, điều này hoàn toàn không đúng.
Gần ¾ trong số nhân viên ở nghiên cứu nêu trên đều nói rằng công ty họ cho phép làm việc ở nhà, và 32% thường xuyên làm việc từ xa. Khả năng làm việc từ xa đã trở nên khả thi với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến, chia sẻ tài liệu và chat trực tiếp.
Nghiên cứu còn cho biết 98% các nhân viên nói rằng các công cụ liên lạc này giúp họ xây dựng quan hệ với các đồng nghiệp dễ dàng hơn. Gần như tất cả đều cho rằng họ chịu khó nhận điện thoại hơn khi được cho phép làm việc ở nhà. Nói cách khác, họ cảm thấy cần phải liên tục kết nối với nhóm của mình vì họ không ngồi trong cùng một văn phòng với họ.
Là con người, chúng ta đều có nhu cầu kết nối cảm xúc với người khác. Ở nơi làm việc cũng vậy. Khi các công cụ liên lạc khiến ta thấy gần gũi với đồng nghiệp hơn, chúng cũng khiến ta muốn nói chuyện với họ và muốn đến văn phòng nhiều hơn vì chúng ta rất trân trọng và khao khát những lần gặp mặt trực tiếp.
Ngược lại, những người thường xuyên ngồi ở văn phòng đôi khi cảm thấy bị cô lập và không buồn nói chuyện với người khác. Chẳng hạn, họ có thể ăn trưa ngay tại bàn làm việc của mình thay vì ngồi cùng bàn với các đồng nghiệp.
Khi bạn làm việc ở nhà, nếu muốn thỏa mãn nhu cầu giao tiếp cơ bản của con người, bạn sẽ phải đến gặp một ai đó để rủ họ đi uống cà phê hoặc đi ăn trưa, hoặc chí ít là gọi điện cho người ta vì rõ ràng lúc này không có ai ở xung quanh bạn cả.
Cuối cùng, làm việc từ xa cho phép chúng ta được tự do nhiều hơn để dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Nghiên cứu của Polycom cho biết 70% nhân viên cảm thấy hình thức làm việc này giúp họ kiểm soát tốt hơn mức độ cân bằng giữa cuộc sống-công việc của mình, và 38% đủ điều kiện chăm sóc con cái.
Có thể không phải ngày nào ta cũng gặp các đồng nghiệp, nhưng nhu cầu giao tiếp với người khác vẫn còn đó. Làm việc từ xa giúp ta đầu tư thêm vào các mối quan hệ để ta được hạnh phúc và thỏa mãn. Tất nhiên, điều quan trọng là bạn phải kiểm soát được chính mình và không để ảnh hưởng đến kết quả công việc.