Vấn đề này nhiều khi không phải xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, kinh nghiệm hay kĩ năng công nghệ lạc hậu mà đơn giản hơn là bản thân bạn không khiến mọi người trong công sở yêu quý mình, đặc biệt trong những tuần đầu tiên làm việc.
Hãy nhớ hoà hợp với mọi người là một kĩ năng quan trọng bởi không có nó, bạn có thể tạo ra ấn tượng ban đầu tồi tệ với những đồng nghiệp mới và điều đó sẽ làm hỏng danh tiếng của bạn trong suốt thời gian làm việc ở công ty.
Dưới đây là 4 quan điểm và cách cư xử quan trọng giúp bạn được mọi người tôn trọng ngay từ công việc đầu tiên trong sự nghiệp của mình:
Bạn không phải là “ Giáo sư biết tuốt”
“Bạn có thể là một người thông minh, nhưng mới ngoài 20 tuổi, bạn vẫn là người mới trong thị trường lao động”, Alexandra Levit, tác giả cuốn sách "Họ không dạy bạn cách hợp tác ở trường đại học", nói. Vì vậy, hãy khiêm tốn khi chia sẻ ý kiến của mình với đồng nghiệp.
Levit nói thêm: “ Nóng vội “đòi” đảm nhận nhiều dự án quan trọng hoặc ra vẻ bạn biết cách hoàn thành công việc mà không cần hướng dẫn, thái độ này được những đồng nghiệp lớn tuổi nhiều kinh nghiệm hơn coi là một sự ngạo mạn và nhanh chóng gạt bỏ ý kiến của bạn”.
Một lời “ Cám ơn” chân thành mang lại hiệu ứng tốt
Hiếm khi nghe thấy tiếng “cám ơn” từ bạn, đồng nghiệp và sếp sẽ cảm thấy bạn là người không lịch thiệp, tử tế. Susan Stern, chủ tịch công ty về marketing và PR Stern và cộng sự, cho biết: “Người quản lý thích được đánh giá cao, giống như bạn vậy. Điều đó có nghĩa là nếu sếp mời bạn ăn trưa, tặng bạn một món quà nhỏ hay tăng lương cho bạn, bạn nên hồi âm với sự biết ơn từ tận đáy lòng”.
Nỗ lực nhiều hơn mọi người
Nhiều nhân viên có nguyên tắc chỉ làm những gì được yêu cầu và làm việc đúng 8 tiếng một ngày, không hơn không kém. Thái độ trung lập này của họ có thể khiến bạn “ghi điểm” với mọi người trong công ty bằng cách đề nghị đảm nhận thêm công việc hay đôi khi làm thêm giờ.
Stern nói: “Các công ty luôn luôn bị ấn tượng trước những nhân viên trẻ sẵn sàng chia sẻ quyền lợi của mình, xắn tay áo và hết mình góp sức giúp đỡ người khác. Nếu thể hiện thái độ nhiệt tình này và bỏ qua cái tôi cá nhân của mình, bạn sẽ chứng tỏ với cấp trên rằng mình đã đóng góp vào công việc, sự phát triển chung và nỗ lực của nhóm”.
Biết cách lắng nghe là một kĩ năng quan trọng
Mary Harris, một chuyên gia về nghi lễ và nguyên tắc hợp tác, bày tỏ ý kiến của mình: “Đây là một điều rõ ràng nhưng nhiều nhân viên mới thường nôn nóng muốn thể hiện sự hiệu biết của mình nên nói mà không lắng nghe.” Và kết quả là những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn gắn họ với hình ảnh “lính mới hiếu thắng”.
Do đó, hãy học cách lắng nghe. Marjorie Brody, đồng tác giả cuốn sách Một sự nghiệp hạn chế sự phát triển, giải thích: “Khi hiểu những điều người khác đang nói với bạn và điều họ mong muốn ở bạn chứ không phải chỉ luôn luôn tập trung vào công việc của mình, bạn sẽ đạt được sự tôn trọng từ đồng nghiệp với tư cách những người quan tâm và chú ý tới bạn.”