Cần gần gũi và tôn trọng người tài
Những phương pháp quản lý đặc biệt là rất cần thiết để khiến nhân tài toàn tâm toàn ý trong công việc. Những người tài thường có xu hướng cho rằng mình không cần sự chỉ đạo hay hướng dẫn trong công việc. Đó mới thật sự là một vấn đề đau đầu cho nhà quản lý.
Nếu như doanh nghiệp của bạn may mắn có được những người trên, khó khăn trong việc quản lý họ là tất yếu. Họ thường rất nhạy cảm, hay tự ái và sẵn sàng chống lại bạn nếu bạn mắc sai lầm. Nắm đựơc vấn đề trên, những chuyên gia quản lý nhân sự có kinh nghiệm đã đưa ra những phương thức hiệu quả để quản lý và điều chỉnh tính cách nhân tài trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra những phương pháp và công cụ để nhà quản lý ứng dụng trong việc quản lý công ty và điều hành công việc.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên những nhà lãnh đạo đang quản lý những nhân viên cá biệt. Qua đó rút ra phương pháp và công cụ cần thiết để quản lý nhân tài và điều hành công việc cách hiệu quả nhất. Cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng: dù trong bất cứ lĩnh vực nào, nhà quản lý luôn phải dành cho nhân viên và khách hàng sự tôn trọng nhất định.
Gây dựng lòng tin
Tất cả những nhà quản lý xuất sắc luôn sẵn sàng gây dựng niềm tin với nhân viên cấp dưới. Họ làm điều đó bằng cách thể hiện sự xuất sắc của mình trong lĩnh vực hoạt động và xác định mục tiêu rõ ràng trong công việc. Câu châm ngôn: “Điều bạn thấy là điều bạn đạt được” luôn đem lại sự tin tưởng cho nhân viên và được thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau.
Những nhân viên có tài làm việc không đơn thuần vì tiền. Họ tìm kiếm kiến thức và những cơ hội thăng tiến, học hỏi trong nghề nghiệp. Họ luôn tự hỏi bản thân rằng: “Mình đã đạt được mục tiêu?”. Nếu bạn cho họ câu trả lời “không”, họ sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại và điều này khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn thực sự. Vì thế những nhà quản lý có tầm nhìn luôn phải tìm ra nhân tài và có phương thức thích hợp để duy trì họ trong tổ chức của mình.
Đặt ra thử thách
Đừng ngần ngại giao cho người giỏi những công việc đầy thử thách để họ được khám phá, học hỏi từ những điều mới. Chính lãnh đạo cũng phải cởi mở để tạo môi trường học hỏi lẫn nhau thì mới có thể tiến đến mục tiêu chung.
Quản lý người giỏi hơn mình là cả một nghệ thuật. Người quản lý không nhất thiết phải giỏi về chuyên môn mà quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục. Người lãnh đạo cần chủ động thể hiện sự học hỏi từ nhân viên, tăng cường giao tiếp với nhân viên, đưa ra câu hỏi để phát hiện điều gì đang khiến nhân viên lo lắng, vướng mắc.
Nhà lãnh đạo là người đứng đầu doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Khi thực hiện tốt vai trò của mình, nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, hãy tuyển dụng những “cái đầu” giỏi hơn mình, công ty sẽ có những lợi ích đáng kể. Và thay vì sợ những người giỏi hơn sẽ lấn lướt mình, hãy trở thành nhà quản lý giỏi để thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.