Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động và việc làm
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về bức tranh thị trường lao động của Việt Nam trong năm vừa qua?
Về cơ bản, thị trường lao động nước ta năm nay không có chuyển biến lớn so với năm ngoái: số người có việc làm, lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn giữ ở mức 76%, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn ở mức 3% (đạt theo mục tiêu đề ra là dưới 4%), tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm nhẹ từ 7,86% (Quý 3/2016) xuống 7,63%(Quý 3/2017).
Điểm sáng của thị trường lao động nước ta năm nay là chuyển dịch cơ cấu lao động khá nhanh, tỷ lệ lao động làm trong khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đã xuống tới mức 40,4% (gần đạt được mục tiêu đề ra tiến đến năm 2020, tỷ lệ này dưới 40%).
Bên cạnh đó, điểm cần khắc phục trong những năm tới là giải quyết việc làm cho lao động ở trình độ cao từ đại học trở lên, lao động thất nghiệp ở trình độ này vẫn ở mức cao, tại Quý 2/2017 là 183,1 nghìn người, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (191,3 nghìn người tại Quý 2/2016) nhưng tăng khá nhiều so với Quý 1/2017 (138,8 nghìn người).
Để có những chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác dự báo thị trường lao động đang được ngành LĐ-TB&XH thực hiện như thế nào?
Hiện nay, Bộ có các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như: Quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động…cụ thể qua nhiều sản phẩm như: Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam (xuất bản hàng năm); Báo cáo đánh giá sự dịch chuyển vị thế của người lao động trên thị trường lao động hậu WTO; Báo cáo Phân tích tình hình sử dụng lao động và dự báo cầu lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam; Báo cáo Nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh các hợp tác khu vực ASEAN về kinh tế và lao động: Cơ hội và thách thức; Báo cáo phân tích, đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động Việt Nam.
Hiện nay, một số mô hình được triển khai phục vụ cho dự báo trung và dài hạn: Mô hình dự báo liên ngành cấp vĩ mô cho Việt Nam (Mô hình Lotus): Hệ thống mô hình hóa này có tính chất dự báo dài hạn (10 năm hoặc xa hơn) cho tương lai của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam; Mô hình phối hợp tiếp cận hàm sản xuất và tăng trưởng: mô hình này cho phép dự báo cung, cầu lao động trong khu vực doanh nghiệp...; Đối với dự báo ngắn hạn đang được thực hiện theo mô hình của Thụy Điển dựa trên kết quả điều tra Thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp qua các năm của Bộ LĐ-TB&XH.
Tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm sẽ góp phần kết nối cung- cầu lao động hiệu quả
Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp nào sẽ trong thời gian tới để hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thưa Thứ trưởng?
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2018-2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tổ chức điều tra, khảo sát thị trường lao động phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động; Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; Nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào phát huy giá trị cốt lõi của chính sách này là tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải và duy trì việc làm cho người lao động, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động; Nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
Về phía địa phương, trên cơ sở Chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt và tình hình thực tế về lao động, việc làm tại địa phương, đề nghị Sở LĐ-TB&XH xây dựng và tham mưu, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đẩy mạnh giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động tại địa phương; Tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; báo cáo UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của dự án; bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; kinh phí giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của dự án tại địa phương.
Nguồn: http://www.baomoi.com/
|