Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Hà Tĩnh: Siết chặt quản lý doanh nghiệp đưa lao động làm việc nước ngoài
UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tham gia hội nghị có ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH)
Trong 10 năm qua (từ năm 2007 đến năm 2017), Hà Tĩnh có 68.148 người được các doanh nghiệp XKLĐ ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 25% so với giai đoạn 1997-2007. Đặc biệt, trong năm 2017, Hà Tĩnh có 8.567 lao động được các doanh nghiệp ký hợp đồng và đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (đây là năm mà Hà Tĩnh có số lao động đi XKLĐ cao nhất từ trước tới nay và đứng thứ 3 cả nước sau 2 tỉnh: Thanh Hóa và Nghệ An). Thị trường XKLĐ của lao động Hà Tĩnh chủ yếu là các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; trước đây là Malaysia, các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Thu nhập bình quân lao động Hà Tĩnh làm việc ở nước ngoài đạt từ 6.500-7.000 tỷ đồng/năm, trong đó số tiền ngoại hối gửi về nước đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, giải quyết việc làm trên địa bàn.
Tuy vậy, vấn nạn lao động Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc lại chiếm tỷ lệ cao, trên 52%. Vì vậy, năm 2016 và năm 2017 đã có 5 địa phương của Hà Tĩnh bị Chính phủ Hàn Quốc đình chỉ một phần Chương trình cấp phép việc làm gồm các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc. Đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động người lao động hết hạn hợp đồng về nước, (từ năm 2012-2017, Hà Tĩnh đã tuyên truyền, vận động được 1.369 lao động về nước).
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, quy định Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đến nay không phù hợp với thực tế, nhất là các Điều khoản liên quan đến quản lý lao động; chính sách hỗ trợ người lao động; thời hạn cấp phép hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp; chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân và người lao động vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) Phạm Viết Hương, đánh giá, ghi nhận việc triển khai thực hiện Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua tại Hà Tĩnh. Đồng thời cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tiếp thu những kiến nghị để đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về XKLĐ và sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài nhằm sớm đưa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích XKLĐ đi vào cuộc sống.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen cho 9 đơn vị, doanh nghiệp và Sở LĐ-TBXH; tặng Giấy khen cho 15 tập thể, cá nhân đã có thành tích thực hiện Luật đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2007-2017.
Nguồn: https://baomoi.com/
|