Có nên chấp nhận một công việc mà bạn thực sự không mong muốn?
Nếu mọi việc đều được hoàn mỹ như chúng ta mong muốn thì chắc con người đã chẳng bao giờ phải lo nghĩ cân nhắc về việc chấp nhận một công việc mà mình thật sự không vừa ý lắm. Nhưng cuộc sống thì đâu có đơn giản dễ dàng như vậy.
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống phải cân nhắc chấp nhận một công việc mà mình chưa thực sự vừa ý chưa? Tôi cá là có! Có thế lúc đó bạn đang vô cùng khó khăn, đang đối mặt với nguy cơ mất việc, cũng có thể đó là công việc duy nhất mà bạn kiếm được lúc đó, hoặc bạn phải nhanh chóng tìm việc vì chuyển nơi sinh sống chẳng hạn.
Dù sao thì bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng: nên chấp nhận, hay bỏ qua để tìm một cơ hội khác tốt hơn. Nhưng trước khi quyết định, hãy nhìn nhận qua một số khía cạnh sau đây để biết khi nào thì mình thật sự nên cân nhắc một cách nghiêm túc một công việc mà mình không có quá nhiều đam mê.
Sự sợ hãi khiến bạn do dự
Các chuyên gia luôn đưa ra lời khuyên rằng hãy lắng nghe chính bản thân mình, và đương nhiên, làm được điều này là tốt. Tuy nhiên, chính sự do dự và lí trí đôi khi lại khiến chúng ta...lạc lối.
Ví dụ, đôi khi lý trí sẽ mách bảo bạn đừng lựa chọn một công việc chỉ vì công việc đó nghe có vẻ...khá đáng sợ. Công việc nghe có vẻ quá sức với bạn, công ty chỉ là một startup trong khi trước giờ bạn chỉ làm việc cho những công ty lớn, hoặc công việc đòi hỏi bạn phải di chuyển tới một thành phố khác trong khi bạn cảm thấy chưa sẵn sàng chẳng hạn,... Một số lý do thật sự xứng đáng để khiến bạn từ chối công việc, nhưng một số khác, lại khá đáng để thử sức. Đừng để nỗi sợ xâm lấn bạn và khiến bạn đưa ra những quyết định không xác đáng. Hãy cân nhắc mặt lợi hại thật rõ ràng để biết mình cần phải làm gì.
Lợi nhiều hơn hại
Nếu chỉ đang tìm kiếm công việc để tích lũy kinh nghiệm cũng như chuẩn bị bước đệm cho một công ty sau này, hãy cân nhắc những việc làm có thể khiến bản CV của bạn trông có giá trị hơn và được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Có thể thời gian làm việc dài hơn bình thường nhưng danh tiếng của công ty sẽ khiến bạn được ‘nở mày nở mặt’ một chút, vất vả hơn một chút nhưng lương lậu lại ‘hậu hĩnh’ hơn, bạn không thực sự thích thú lĩnh vực này nhưng lại hiểu biết khá rõ về nó,... đều là những lí do bạn nên xem xét để nhận một công việc mới.
Công việc sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn trong tương lai
Có muốn hay không thì cũng phải công nhận rằng, có một số việc dù ta không thật sự yêu thích nhưng lại tốt cho chúng ta về lâu về dài. Và cũng có những việc, dù bây giờ ta thấy nó chẳng có giá trị gì nhưng sau này khi cần dùng tới kỹ năng đó thì mới thầm thấy may mắn vì mình đã từng trải qua công việc xưa cũ kia. Bạn cũng thấy đấy, Steve Jobs cũng đã trải qua một lớp học thư pháp khi còn ở Reed College để rồi sau này áp dụng và thiết kế ra những siêu phẩm Apple. Vậy nên, hãy cố gắng nhìn xa hơn những cái lợi trước mắt, mục tiêu cuối cùng của bạn là gì, và một công việc thế nào có thể khiến bạn thỏa mãn những yêu cầu của bản thân.
Bạn không còn sự lựa chọn nào khác
Đôi khi, bạn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài nắm bắt mọi cơ hội và dần biến chúng thành của mình. Bạn không thích công việc này lắm? Công ty này có vẻ không phù hợp? Tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn thất nghiệp và không kiếm ra tiền. Nếu đang trong tình huống này, tôi khuyên bạn chớ nên do dự thêm nữa. Trừ khi thật sự không thể chấp nhận và sẽ không thể làm được công việc này, còn không, hãy thử khiến công việc phù hợp với mình xem sao.
Nguồn: https://vtc.vn/
|