XKLĐ tại Hàn Quốc: Tăng hỗ trợ để kêu gọi LĐ về nước đúng hạn
Thưa ông, năm nay chỉ tiêu tuyển dụng của Hàn Quốc dành cho lao động phía Việt Nam là bao nhiêu?
- Trong năm 2018, phía Hàn Quốc có nhu cầu tuyển chọn 7.900 lao động Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã gửi công văn cho các địa phương tiến hành nhận hồ sơ của lao động có nhu cầu thi tiếng Hàn.
Dự kiến kỳ thi tiếng Hàn EPS-TOPIK dành cho lao động Việt Nam có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo sẽ được tổ chức vào tháng 6, và tới tháng 8 sẽ tổ chức kỳ thi trong lĩnh vực ngư nghiệp. Cụ thể sẽ tuyển khoảng 6.300 lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.300 lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp.
Tuy nhiên, năm nay sẽ có 49 quận/huyện trong cả nước bị dừng tuyển chọn do có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.
Thỏa thuận MOU mới được Hàn Quốc và Việt Nam ký kết có điểm mới nào đáng chú ý?
- Thỏa thuận MOU được ký vào tháng 3.2018 vừa qua có được nhiều điểm mới. Đầu tiên có thể kể tới cách thức tuyển lao động. Thay vì chỉ tuyển qua thi tiếng Hàn thì năm nay phía bạn còn chú trọng vào thi kỹ năng nghề. Do vậy, với những ngành nghề đặc thù như ngư nghiệp, nếu không thi tay nghề thì khả năng lao động sang Hàn Quốc làm việc sẽ bỏ trốn rất nhiều. Sau khi trao đổi, thì phía Hàn Quốc cũng thống nhất thay đổi cách thức tuyển dụng, chú trọng vào việc thi tay nghề với những ngành nghề đặc thù.
Liệu có phải tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn quá cao đang là nguyên khiến Hàn Quốc tuyển lao động dè dặt?
- Đúng là việc có quá đông lao động Việt Nam bỏ trốn trong thời gian qua đã tác động rất lớn tới việc thực hiện chương trình EPS của Việt Nam trong thời gian trước. Cũng vì lý do này mà một thời gian dài chương trình bị gián đoạn, phía bạn cũng tuyển lao động khá dè dặt.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã giảm đáng kể, từ tỷ lệ trên dưới 50% (năm 2000) xuống còn 34% vào thời điểm hiện tại. Nhờ vậy, phía Hàn cũng đã tiếp tục ký thỏa thuận MOU với Việt Nam trong việc tiếp nhận lao động trở lại làm việc.
Thưa ông có ý kiến cho rằng những giải pháp tuyên truyền, chống trốn của chúng ta đang không hiệu quả. Việc dừng tuyển lao động ở 49 quận/huyện trong cả nước là rất bất công với nhiều lao động. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, nhiều năm qua chúng ta đã nỗ lực và làm tốt công tác tuyên truyền. Trong suốt năm 5 năm thực hiện các giải pháp tuyên truyền, ý thức của người dân nói chung và lao động được nâng lên rõ rệt. Lao động hiểu được điều kiện khi tham gia chương trình, tình trạng cò mồi lao động đã không còn. Những năm 2000 - 2012, tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam luôn trên dưới 50%, đến hiện tại chỉ còn 34%, tức từ khoảng 30.000 xuống dưới 15.000 lao động.
Có được kết quả này là vì chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Riêng việc dừng tuyển với lao động một số địa phương, chúng tôi đã có bàn bạc với phía bạn, phía bạn đồng ý và mong muốn chúng ta làm điều này. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi đang nỗ lực để giảm tỷ lệ quận/huyện bị dừng tuyển.
Tới đây cần phải có thêm giải pháp để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, thưa ông?
- Thời gian qua chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện một loạt các giải pháp đã ban hành từ năm 2013. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện ký quỹ với mức 100 triệu đồng với tất cả lao động đi lần đầu hay đi lần 2. Thứ hai là khi ký hợp động sẽ có những điều kiện ràng buộc lao động. Thứ ba là thực hiện tuyên truyền xuyên suốt cho lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Hiện nay chúng ta có nhiều văn phòng, cộng tác viên tuyên truyền trực tiếp cho lao động ở từng khu ở Hàn Quốc giúp lao động về nước đúng hạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với phía bạn để có các chính sách hỗ trợ cho người lao động yên tâm về nước, bởi tất cả lao động đi làm việc là có thời hạn. Khi hết hạn, lao động cũng rất băn khoăn về cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc hoặc tìm việc ở trong nước.
Ngoài tuyên truyền vận động, hai bên phối hợp thực hiện chính sách nhằm chống trốn. Đồng thời phía Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho lao động sau khi về nước. Đầu tiên là hỗ trợ cho lao động về nước đúng hạn được quay lại thị trường Hàn Quốc làm việc tiếp. Nếu lao động không có nhu cầu đi làm việc Hàn Quốc, chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm các địa phương tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm chuyên biệt dành cho lao động EPS về nước.
Đặc biệt, thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét lại các giải pháp vận động tuyên truyền, cùng địa phương đưa ra cách làm hay, giải pháp tốt để nhân rộng mô hình nhằm giảm quận huyện bị cấm xuất cảnh xuống dưới 49 quận/huyện như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://baodatviet.vn
|