7 lăng kính thấu hiểu khách hàng chủ doanh nghiệp cần biết - phần 1
Thật khó để một sản phẩm có thể chiếm lĩnh tâm trí khách hàng mục tiêu, khi mà chính chúng ta còn chưa hiểu rõ khách hàng của chúng ta là ai - họ từ đâu đến, mong muốn gì, cần gì và đang cảm nhận thế nào về sản phẩm của chúng ta.
Đối với các doanh nghiệp lớn, việc nghiên cứu thị trường và tìm hiểu khách hàng được thực hiện trên các quy mô về nghiên cứu định lượng, theo xác xuất thống kê, rất khoa học và độ chính xác khá cao. Còn với doanh nghiệp nhỏ, đôi khi vì để giảm chi phí, chúng ta chỉ tập trung bán cái chúng ta có (thay vì bán cái khách hàng cần), và truyền thông đúng nhu cầu mà khách hàng mong muốn.
Để có cái nhìn rõ hơn về khách hàng - những người mà doanh nghiệp mong muốn được phụng sự, hãy tập quan sát họ theo những lăng kính dưới đây:
Lăng kính số 1: Loại khách hàng
Hãy rà soát lại số liệu kinh doanh, khảo sát khách hàng, để thống kê xem:
- Bao nhiêu phần trăm khách hàng mua sản phẩm để sử dụng.
- Bao nhiêu phần trăm khách hàng mua sản phẩm để cho người khác xài.
Rất nhiều doanh nghiệp chưa lưu tâm đến vấn đề này, dẫn đến để lộ khe hở thị trường cho đối thủ tấn công, hoặc chỉ đang phục vụ nhóm nhu cầu chỉ chiếm 20% doanh thu nhưng phí sức tới 90%.
Tại sao phải tìm hiểu? Nếu nhu cầu là trực tiếp sử dụng thì insight (nhu cầu ẩn giấu), động cơ mua, lý do mua của họ sẽ hoàn toàn khác người mua để cho người khác xài.
Nhiều ví dụ trong cuộc sống chúng ta thấy rõ:
- Ba mẹ mua đồ về cho con cái sử dụng.
- Ba mẹ đóng học phí, người đi học là đứa con.
- Cô nhân viên mua hộp trà cao cấp, người uống là ông sếp.
Trong trường hợp cuối, cô nhân viên cần giá hộp trà phải cao (làm sao cô có thể biếu sếp món đồ rẻ tiền), hộp quà phải đẹp. Nhưng với người dùng - ông sếp, khi nhận được món quà, dĩ nhiên yếu tố thẩm mỹ cũng là điều ông để ý, nhưng quan trọng hơn là trà phải ngon. Có thể thấy, nhu cầu và nhận thức của 2 nhóm khách hàng này hoàn toàn khác nhau.
Lăng kính số 2: Sự đa diện cho người dùng
Trong một ngày, mỗi người chúng ta đóng rất nhiều vai. Sáng là một người cha, mẹ khi đưa con đi học. Trong giờ hành chính là một doanh nhân, quản lý, nhân viên... Sau giờ hành chính trở về vai trò người chồng, người vợ, cùng lo công việc gia đình. Một cách tự nhiên, mối quan tâm của chúng ta ở mỗi vai trò hoàn toàn không giống nhau.
Hiểu rõ thói quen sinh hoạt hằng ngày của khách hàng chính là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp:
- Có chiến lược nội dung hợp lý
- Phát triển kênh phân phối hợp lý
- Truyền thông chính xác và đúng thời điểm hơn
- Tạo lập và định hình thói quen người dùng dễ dàng hơn
Lăng kính số 3: Tháp nhu cầu Maslow
Doanh nghiệp cần biết khách hàng của mình nằm ở những tầng nấc nào trong tháp nhu cầu Maslow. Đặc biệt cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu của mình tập trung ở tầng nào, nhu cầu đặc trưng của nhóm khách hàng này là gì.
Cùng là ăn trưa, nhưng có người chỉ cần đĩa cơm 15 ngàn đồng là thấy ổn, có người chấp nhận giá cao hơn nhưng quán ăn phải sạch sẽ, người lại muốn ăn trưa ở nơi có không gian êm dịu, người khác lại thích ăn ở nơi sang trọng...
Việc tiếp theo là rà soát chính sách bán hàng, công tác hoạch định sản phẩm (bao bì, đóng gói...), chiến lược giá... có đang phục vụ đúng tầng maslow đó chưa, cần điều chỉnh như thế nào.
Hãy xem xét khách hàng bạn đang ở tầng nào trong tháp nhu cầu maslow, và tìm ra keyword của ngành cho tầng đó.
Nguồn: http://baodansinh.vn/
|