Myanmar được ví như “miền đất vàng ngủ quên” bởi xứ sở huyền bí này vẫn luôn giữ được nét đẹp hoang sơ, người dân thì thân thiện với những phong tục, tập quán lâu đời.
Vào mùa khinh khí cầu ở Bagan bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Rất nhiều du khách đổ về thành phố này để nhìn ngắm hình ảnh thơ mộng này.
Nhiệt độ tại Bagan ở ngưỡng 25 độ C, khi đặt chân đến Inle thì giảm hơn 10độ. Tuy trời lạnh nhưng không khí yên bình và trong lành.
Với hơn 90% dân số theo Phật giáo, hầu như nam thanh niên ở đây đều ít nhất một lần trải qua việc tu tập trong chùa. Họ sẽ cảm thấy thiếu sót nếu chưa đi tu. Các trẻ nhỏ đến một độ tuổi nhất định đều được gửi đến chùa để học giáo lý và học đọc, viết.
Theo phong tục Miến, mỗi thanh niên Phật tử đều phải thọ lễ “Shinpyu” để vào chùa tập tu suốt trong thời gian chư Tăng an cư hoặc khoảng một hay nhiều năm, hoặc ít nhất là một tuần. Và khi vào ở chùa, họ sống đời tu sĩ y theo luật Phật chế như cạo đầu, mặc trang phục theo quy định, ăn chay...
Đến Inle, không thể không tham quan hồ Inle và các khu vực lân cận, hồ nằm ở độ cao khoảng 1.000 m trên mực nước biển khí hậu mát mẻ quanh năm, giống như Sa Pa hay Đà Lạt của Việt Nam. Vào sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh nhưng từ 8h trở đi bắt đầu có nắng, đến gần trưa thậm chí bạn phải cởi bỏ bớt áo.
Hồ nước nông này có hệ sinh thái và cộng đồng dân cư độc đáo. Phương tiện duy nhất di chuyển trên hồ là thuyền máy, có thể chở từ 5 -6 người. Mất khoảng 6-8 tiếng để bạn đi dạo chơi được tất cả điểm trên hồ. Đó là nơi người dân dệt vải từ thân sen, làm thuốc lá, người Pa O cổ dài.
Có một bản sắc độc đáo người Mynanmar đó là tục bôi thanaka lên mặt. Thanaka được chế biến từ loại cây cùng tên, lấy thân cây mài trên một bàn đá thêm chút nước để tạo thành một thứ hỗn hợp sền sệt. Từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể bôi, đàn ông trưởng thành ít sử dụng hơn.
Váy longyi rất phổ biến, được cả đàn ông và phụ nữ mặc. Chiếc váy được quây lại rất đơn giản, túm một đầu và buộc một đầu. Việc di chuyển, làm việc hay tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đều rất dễ dàng với những người mặc longyi. Với thời tiết nóng, ẩm như ở Myanmar, đây là trang phục tuyệt vời đối với họ.
Một trong những nét đặc sắc khác trong văn hóa Myanmar là dân tộc ăn trầu nhiều nhất thế giới. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ… ai cũng nhai được. Đường phố nhiều chỗ đỏ nước trầu.
Ngắm hoàng hôn trên cầu gỗ dài nhất thế giới Vào buổi chiều, hàng nghìn lượt người chen chân trên cầu U Bein (Myanmar) để ngắm hoàng hôn. U Bein được đánh giá là cây cầu gỗ lâu đời, dài nhất thế giới.