6 kỹ năng cơ bản quản lý cần sở hữu
Trong kỳ trước, chúng ta đã chỉ ra rằng tầm nhìn, thái độ chấp nhận thay đổi và khả năng mang lại kết quả như kỳ vọng là 3 tiêu chí quyết định hiệu quả của nhà quản lý. Có những quản lý truyền được cảm hứng và tạo được động lực làm việc cho nhân viên, nhưng cũng không ít quản lý thất bại hoàn toàn trong việc gắn kết với nhân viên. Một nhà quản lý “hiệu quả” chịu trách nhiệm đảm bảo mỗi cá nhân trong phòng ban mình thành công, đồng thời đội nhóm và công ty sẽ đạt được kết quả. Nhưng khi các nhân viên rời bỏ công ty, lý do lại thường liên quan đến quản lý của họ. Để thành công, một nhà quản lý cần cả tài năng lẫn kỹ năng. Tài năng có thể là bẩm sinh nhưng kỹ năng quản lý thì rõ ràng có thể được phát triển thông qua đào tạo, cố vấn và kinh nghiệm làm việc.
Nhưng kỹ năng nào mới là những kỹ năng cốt lõi trong phát triển quản lý? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra 6 kỹ năng cơ bản nhất của tất cả nhà quản lý hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp
Một quản lý giỏi giao tiếp là người biết đưa ra chỉ đạo hiệu quả và biết lắng nghe. Những quản lý này có thể xử lý thông tin hiệu quả và truyền đạt lại cho nhân viên một cách rõ ràng. Do đó, họ luôn đảm bảo nhân viên hiểu rõ tầm nhìn và giá trị của công ty, cũng như đóng góp của nhân viên với mục tiêu đã đề ra.
Kỹ năng lãnh đạo
Đừng lầm tưởng rằng làm quản lý thì chưa cần kỹ năng lãnh đạo! Kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp nhà quản lý xây dựng niềm tin và định hướng phát triển hiệu quả cho nhân viên. Cụ thể hơn, muốn được nhân viên tin tưởng, nhà quản lý phải là tấm gương đạo đức và chính trực. Đồng thời, nhà quản lý phải biết cách hoạch định các mục tiêu rõ ràng và giao việc hợp lý dựa trên kinh nghiệm, khả năng, ưu điểm của từng nhân viên. Đừng theo dõi nhân viên! Hãy tin tưởng và cho phép họ có không gian tự chủ, độc lập làm việc và giải quyết vấn đề theo kế hoạch chung đã được thống nhất.
Kỹ năng thích ứng
Khi biết cách thích ứng nhanh chóng với các tình huống bất ngờ, nhà quản lý sẽ hỗ trợ nhóm của mình điều chỉnh theo. Đồng thời, kỹ năng này cũng giúp nhà quản lý duy trì thái độ tích cực để giữ vững tinh thần cho nhân viên khi gặp trở ngại. Thích ứng cũng đồng nghĩa với tư duy sáng tạo và tìm ra giải pháp mới cho các vấn đề cũ.
Kỹ năng xây dựng mối quan hệ
Những nhà quản lý hiệu quả luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhóm làm việc của họ. Khi các quản lý nỗ lực xây dựng mối quan hệ với nhân viên, nhân viên sẽ cảm thấy tin tưởng hơn vào quản lý, từ đó nỗ lực vượt qua kỳ vọng. Ngoài ra, nhà quản lý hiệu quả sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải các mâu thuẫn một cách công bằng và tạo được sự đoàn kết trong nội bộ nhóm.
Kỹ năng phát triển nhân viên
Các quản lý giỏi luôn xác định được thời điểm thích hợp để phát triển nhân viên. Quản lý hiệu quả là người biết huấn luyện và tạo điều kiện cho nhân viên của mình được đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề. Đồng thời, họ cũng biết cách khích lệ kịp thời những nhân viên có đóng góp và làm việc xuất sắc để duy trì mức độ động lực cũng như thúc đẩy tinh thần nỗ lực của nhân viên.
Kỹ năng phát triển bản thân
Một nhà quản lý hiệu quả nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bản thân. Khi sẵn sàng học hỏi, xem những sai lầm và phê bình là động lực để cải thiện và cố gắng tận dụng những tài năng của mình, nhà quản lý sẽ là tấm gương để nhân viên phấn đấu.
Quản lý hiệu quả không dễ dàng. Các công ty cần xác định các yếu tố thúc đẩy quản lý thành công, sau đó đề xuất kế hoạch đào tạo tương ứng. Nhân viên có hiệu quả làm việc cao nhất chưa chắc là quản lý giỏi nhưng những nhân viên thể hiện được cả 6 kỹ năng nêu trên chắc chắn sẽ thành công hơn trong vai trò quản lý. Dù vậy, cùng lúc chú trọng vào cả 6 kỹ năng là việc không thực tế. Hãy tiến hành những bước đánh giá trước đó để xác định ưu tiên phát triển rồi cụ thể hóa thành một kế hoạch và hành động thực tiễn.
Trong kỳ tới, chúng ta sẽ cùng phân tích một nhiệm vụ vừa quan trọng và vừa mang lại lợi ích cho cả quản lý và nhân viên: Phân công công việc.
|