Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Ðồng Nai thiết thực chăm lo đời sống người lao động
Gần một triệu công nhân đang làm việc tại 32 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai là lực lượng lao động chủ lực làm nên mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng hằng năm của địa phương: luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Coi công nhân là tài sản, vốn quý của doanh nghiệp cũng như của tỉnh, hơn nữa tỷ lệ lao động nhập cư chiếm đến hơn 62%, các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn và các chủ doanh nghiệp ở địa phương đã đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, để họ thật sự yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài.
Cải thiện chế độ phúc lợi
Mỗi khi sức khỏe có vấn đề, thay vì phải xin nghỉ việc tìm đến bệnh viện như trước đây, nay chị Lê Thị Thắm được khám bệnh, điều trị ngay tại phòng khám đa khoa của Công ty cổ phần Tae Kwang Vina, KCN Biên Hòa 2.
Sự thay đổi tích cực này tạo thuận lợi cho các công nhân, lao động tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi và đặc biệt không phải nghỉ việc trong thời gian khám, chữa bệnh. "Tôi làm việc tại công ty đến nay đã gần 22 năm. Hai năm trở lại đây, công ty tổ chức phòng khám hiện đại như mô hình bệnh viện thu nhỏ, với đội ngũ y, bác sĩ giỏi tay nghề khám, điều trị những bệnh thông thường ngay trong khuôn viên doanh nghiệp, rất thuận lợi cho công nhân, nhất là người đã lớn tuổi như tôi", chị Thắm hồ hởi
cho biết.
Phòng khám đa khoa được Ban Giám đốc Công ty cổ phần Tae Kwang Vina đầu tư nhiều trang, thiết bị hiện đại, có 50 y, bác sĩ và 30 giường lưu trú. Công nhân được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước khi thực hiện dịch vụ tại đây. Cũng tại công ty có tới hơn 34.000 công nhân này, ngoài mô hình phòng khám, không thể không nói đến "siêu thị cho công nhân" - một mô hình mới theo đề xuất của công đoàn cơ sở và được sự ủng hộ của Ban Giám đốc công ty. Siêu thị duy trì hơn 200 mặt hàng thiết yếu, bán giá ưu đãi phục vụ người lao động, cho công nhân mua trả chậm vào lương. Ngoài ra, việc triển khai bữa ăn sáng giá 2.000 đồng còn tạo điều kiện cho công nhân ăn sáng trước khi vào ca sản xuất với bữa ăn giá rẻ, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Ðinh Sỹ Phúc cho biết thêm: "Ngoài những ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước, mỗi năm công nhân được nghỉ thêm tám ngày phép để lo việc gia đình; được hỗ trợ kinh phí đi học bổ túc văn hóa; công nhân đang làm việc nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi trở về công ty sẽ nhận lại với mức lương tăng theo thâm niên, đồng thời giữ nguyên các quyền lợi và chế độ khác". Ðược biết, doanh nghiệp này còn đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non Thái Quang, hỗ trợ 50% học phí cho con em công nhân.
Nhiều hoạt động nổi bật về chăm lo đời sống của công nhân tương tự còn được ghi nhận ở các doanh nghiệp, công ty khác. Ðơn cử, tại doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phong Thái, đã đầu tư hai trường mẫu giáo phục vụ hơn 2.600 con em công nhân tại hai huyện Trảng Bom và Xuân Lộc. Thong thả đón con sau giờ tan ca, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Lúc trước, đứa con gái đầu chị phải gửi ở một trường mầm non tư thục gần khu vực làm việc, cho nên không yên tâm lắm, nhưng từ ngày doanh nghiệp đầu tư trường học sạch đẹp, với đội ngũ giáo viên yêu nghề, mến trẻ, chị và nhiều nữ công nhân rất hài lòng khi gửi con ở đây.
Theo đồng chí Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh Ðồng Nai, nhiều doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh chính sách chăm lo người lao động thông qua hàng loạt việc làm thiết thực như: hỗ trợ xăng xe, tiền thuê nhà trọ... Một số doanh nghiệp quy mô lớn xây dựng chỗ ở khang trang cho người lao động như ký túc xá Công ty Ðông Phương thu hút gần 1.000 người cư trú; Công ty VPIC có hơn 400 công nhân ăn ở tại chỗ hay ký túc xá của Công ty Formosa Việt Nam lúc nào cũng có hơn 2.000 công nhân ở.
Ðến thời điểm này, đã có hơn 91% số doanh nghiệp ở địa bàn Ðồng Nai thực hiện bữa ăn ca với mức từ 16.000 đồng đến 23.000 đồng/suất. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành riêng cho công nhân được các cấp công đoàn phối hợp chủ doanh nghiệp tổ chức thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, tết, giúp những lao động xa quê có cơ hội thư giãn, giao lưu sau những giờ lao động vất vả. Những ngày này, công trình nhà sinh hoạt văn hóa, thể thao và tổ chức sự kiện dành riêng phục vụ công nhân đầu tiên của tỉnh Ðồng Nai, với tổng kinh phí hơn chín tỷ đồng, nằm ngay khuôn viên trụ sở Công đoàn KCN Biên Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Vừa qua, sau khi tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam đánh giá, tỉnh Ðồng Nai đã có nhiều cách làm hay nhằm chăm lo đời sống của người lao động. Trong đó, việc xây dựng nhà trẻ cho con công nhân được nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản.
Tập trung nguồn lực chăm lo cho công nhân
Thời gian qua, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn tỉnh Ðồng Nai luôn đặt lợi ích hợp pháp, quyền lợi chính đáng của công nhân lao động lên đầu. Minh chứng gần đây nhất là tỉnh đã chủ động trích ngân sách hơn bảy tỷ đồng để trả trước nửa tháng lương cho hơn 1.900 công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina trong bối cảnh chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước dịp sát Tết Nguyên đán Mậu Tuất; đồng thời ngành chức năng phối hợp nhanh chóng chốt sổ bảo hiểm xã hội và hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới. Những động thái linh hoạt sớm ổn định tình hình của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, đông đảo người lao động đánh giá cao. Tuy vậy, nhìn nhận tình hình thực tế hiện nay, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực chăm lo công nhân về mọi mặt, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế, đặc biệt đời sống của đông đảo lao động ngoại tỉnh còn chật vật, lãnh đạo địa phương cũng như các cấp công đoàn hết sức trăn trở. Phần lớn anh, chị em vẫn phải thuê nhà trọ chật hẹp, mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng, hầu hết phải thường xuyên làm thêm giờ để trang trải
cuộc sống...
Ðể công nhân "an cư, lạc nghiệp", UBND tỉnh Ðồng Nai đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực quyết tâm hoàn thành 45 công trình nhà ở xã hội với 20 nghìn căn hộ dành cho công nhân trong giai đoạn 2016 - 2020. Ðến thời điểm này, tỉnh đã giới thiệu 39 dự án nhà ở xã hội, với quy mô hơn 166 ha, có khả năng bố trí chỗ ở cho 100 nghìn người. Các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là hơn 2.700 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho hơn 10 nghìn người. Ðịa phương cũng đã chuẩn bị quỹ đất công khoảng 237 ha và nếu đưa vào sử dụng hiệu quả để xây dựng nhà ở xã hội thì đến năm 2025 có thể đáp ứng được khoảng 300 nghìn
chỗ ở.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm hơn cả là các thiết chế văn hóa dành cho công nhân còn thiếu thốn, mặc dù Tỉnh ủy đã xây dựng hẳn một đề án chuyên đề. Trong hội thảo khoa học do Tổng LÐLÐ Việt Nam tổ chức tại Ðồng Nai mới đây, PGS, TS Ðinh Thị Vân Chi (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động trong các KCN ở Ðồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, cần chú trọng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ngay tại khuôn viên các KCN, bằng cách chính quyền địa phương đưa ra biện pháp cụ thể mang tính pháp lý để ràng buộc, yêu cầu chủ doanh nghiệp bố trí quỹ đất, dành vốn xây dựng thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ðồng Nai khẳng định, với đặc thù tỉnh công nghiệp, thu hút đông công nhân, những năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách đối với người lao động, nhất là liên quan vấn đề tiền lương, thưởng, chế độ bảo hiểm, chăm sóc y tế... Tuy nhiên, hằng năm địa phương tiếp nhận thêm lượng lao động nhập cư rất lớn, dân số cơ học tăng nhanh kéo theo gia tăng nhu cầu xã hội, áp lực nhất là về giáo dục và y tế. Trước thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai cho rằng: Thời gian tới cần có các giải pháp đột phá hơn. Thí dụ, về giáo dục nhiều nơi còn hạn chế, vẫn chưa lo xong. Hằng năm tỉnh xây dựng mới nhiều trường, nhưng vẫn quá tải sĩ số, thậm chí phải tổ chức học ca ba ở một số phường, xã của TP Biên Hòa. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục dồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho con em cũng như đội ngũ người lao động.
|