Luật kinh tế - 'ngành quyền lực' trong thời kỳ hội nhập
Trong thời kỳ hội nhập, các quan hệ kinh tế muốn diễn ra tốt đẹp không thể thiếu hệ thống pháp luật chặt chẽ. Đó chính là lý do ngành luật kinh tế càng trở nên quan trọng hơn.
Việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới là xu thế tất yếu nhằm phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nắm bắt xu thế này, các bạn trẻ đang ngày càng quan tâm đến ngành luật kinh tế.
Luật kinh tế - nền tảng hội nhập thành công
Là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, Luật kinh tế có vai trò đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp và là “bộ khung” để phát triển kinh tế quốc gia.
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, tầm quan trọng của Luật kinh tế ngày càng được khẳng định. Bởi hội nhập trước hết là hội nhập về kinh tế; trong đó, một “bộ khung” pháp luật chặt chẽ cùng đội ngũ chuyên viên chất lượng là nền tảng không thể thiếu để kinh tế Việt Nam tự tin bước vào các sân chơi lớn như WTO, AEC.
Đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng, Luật kinh tế được coi như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng không thể thiếu bộ phận pháp lý. Các chuyên viên pháp lý là những người tham mưu về mặt pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động đúng luật, cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh hiệu quả.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hầu như luôn có nhu cầu nhân lực pháp lý người Việt. Vì vậy, Luật kinh tế được xếp vào nhóm ngành “khát” nhân lực hàng đầu trên cả nước trong giai đoạn 2015-2020.
Có vị thế “quyền lực” trong thời kỳ hội nhập, ngành luật kinh tế luôn mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn: chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp; chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý tại các tổ chức dịch vụ pháp luật, văn phòng luật sư; chuyên viên lập pháp, hành pháp, tư pháp trong các cơ quan nhà nước; nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế tại các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, cử nhân luật kinh tế còn có cơ hội trở thành chuyên gia tư vấn luật pháp hoặc tư vấn tài chính độc lập.
Những tố chất để học tốt luật kinh tế
Để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đắt giá mà ngành học này mang lại, bạn trẻ sẽ cần một số tố chất nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan; tư duy phân tích, phản biện; kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết phục.
Đầu tiên, do đặc thù nghề nghiệp, người làm nghề luật luôn phải đứng trước những mặt trái của đời sống kinh tế. Tinh thần trung thực, khách quan, bản lĩnh vững vàng chính là nền tảng quan trọng nhất để các luật sư có thể đứng vững trước mọi cám dỗ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Thường xuyên tìm hiểu môi trường làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan thông qua hoạt động kiến tập, thực tập thực tế... sẽ giúp sinh viên ngành luật hình dung tính chất công việc cũng như xây dựng bản lĩnh. Ngoài ra, một số trường hiện nay còn phát triển mô hình phiên tòa giả định hoặc tích hợp nội dung phản biện trong các cuộc thi học thuật. Đây được coi là cơ sở hiệu quả để sinh viên trau dồi tố chất cần thiết ngay trên giảng đường.
Cùng với bản lĩnh vững vàng, tư duy phân tích chính xác và khả năng phản biện tốt sẽ là “chìa khóa” không thể thiếu để các luật sư nhanh chóng phát hiện và có hướng giải quyết mọi vấn đề luật pháp một cách toàn diện. Vì vậy, chú trọng phát triển tư duy phân tích và phản biện được xem là thước đo chất lượng cơ bản trong đào tạo ngành luật kinh tế tại bất kỳ cơ sở đào tạo nào.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm bổ trợ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng giải thích vấn đề... là những “cầu nối” quan trọng giúp luật sư tiếp xúc với thân chủ, xây dựng niềm tin, bảo vệ tốt thân chủ trong trường hợp cần thiết.
Sinh viên ngành luật có thể tự thử thách mình bằng việc tham gia các cuộc thi học thuật, các hoạt động ngoại khóa phù hợp... để phát hiện khả năng của bản thân; từ đó định hướng rèn luyện hợp lý.
Những tố chất trên đây không chỉ là cơ sở để bạn trẻ học tốt ngành luật kinh tế trong trường đại học, mà còn là nền tảng để thành công với nghề luật trong thực tế. Nếu đã yêu thích luật kinh tế, bên cạnh trang bị kiến thức, bạn trẻ đừng quên trau dồi những tố chất cần thiết trên để thành công. Một môi trường đào tạo phù hợp với đầy đủ điều kiện giúp phát huy tối đa khả năng sẽ là điểm khởi đầu lý tưởng.
|