banner
Tài khoản

Mật khẩu

Tìm kiếm | Quên mật khẩu?
Diễn đàn | Trang chủ | Đăng ký
icon icon
Bạn đang ở chuyên mục: THÔNG TIN VIỆC LÀM
Gửi lúc 17/12/2018, 03:40 PM
Chủ đề này đã có 454 lượt đọc và 0 bài trả lời
avatar
rank
Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc - Bài 1: Nỗi lòng người trong cuộc
Thông tin mua bán Liên Hệ:
 Đến Gyeonggi, tỉnh bao quanh thủ đô Seoul của Hàn Quốc, trong tiết trời thu se lạnh, mở cửa đón chúng tôi vào một ngôi nhà nhỏ đi thuê gần như kiểu nhà cấp 4 ở Việt Nam là một thanh niên cao to, khỏe mạnh tuổi chừng 30 đổ lại, giọng gốc Thanh Hóa. “Mời các anh vào đây, làm chén chà quê hương cho ấm bụng, rồi em sẽ kể cho các anh nghe cuộc sống bên này của anh em lao động Việt Nam”, Sáng hồ hởi nói, rồi nhanh chân kéo chiếc bàn nhỏ mời chúng tôi ngồi xuống.
 
“Em sang đây làm từ năm 2015, cũng được 3 năm rồi, sau khi em xuất ngũ. Em đi theo chương trình EPS, qua Bộ Quốc phòng Việt Nam nên chi phí lúc đi cả tiền quỹ chống trốn, tiền bảo hiểm hồi hương, tiền vé… tất cả vào khoảng 150 triệu đồng thôi. Em cũng may mắn nên không mất các loại tiền khác như một số bạn qua công ty môi giới”, Sáng nói với vẻ mặt rất vui lộ rõ khi lâu mới có khách Việt Nam tới chơi nhà. “Bạn bè khi học tiếng Hàn cũng có, nhưng mỗi đứa sau khi sang thì giờ đi làm mỗi nơi, lâu lâu mới có dịp gặp nhau vì đều bận đi làm cả ngày, có đứa còn đi làm thêm giờ cả tối, thứ Bảy hay Chủ nhật”, Sáng tâm sự tiếp.
 
Câu chuyện của Sáng cũng là câu chuyện của rất nhiều thanh niên Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Phần lớn các em sang Hàn để làm các công việc phổ thông, lao động chân tay, nặng nhọc, không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ mà thu nhập thì khá cao nếu như không muốn nói là cao nhất trong số các nước tiếp nhận lao động Việt Nam hiện nay.
 
Lỗi viết mail thường hay mắc phải bạn đã biết chưa, click vào link đọc thêm http://womenlife.net/8-thoi-quen-viet-email-khong-chuyen-nghiep-nen-tranh/
 
 
“Mỗi giờ làm của em được 7.500 won (tính tiền Việt khoảng hơn 150.000). Hiện em làm 8 tiếng một ngày, chứ hồi mới sang có hôm em làm 10-12 tiếng một ngày vì công ty trước nhiều việc”, Sáng nói, nhẩm tính nếu em làm hết thời hạn ghi trong visa E9 của em (4 năm 10 tháng) thì lúc về em cũng có trong tay từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Đó quả thật là một số tiền lớn, hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn khó kiếm việc sau khi ra trường.
 
Quả thực, nếu tính tổng số tiền tích lũy được sau khi trừ chi phí sinh hoạt, thì lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn cao hơn các thị trường xuất khẩu lao động khác như Malaysia, Đài Loan, một số nước Trung Đông hay thậm chí cả Nhật Bản. “Lương ở Nhật Bản cao hơn lương ở Hàn, nhưng Chính phủ Nhật không cho làm thêm giờ nên tổng lương bên Hàn nhiều khi cao hơn do anh em chịu khó làm thêm giờ”, Sáng giải thích.
 
Trong các ngành nghề nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm mà đa phần các lao động người Hàn không làm và các chủ lao động phải thuê lao động nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, là ngành xây dựng. Em Trần Văn Ph, 35 tuổi, quê Thanh Hóa, sang Hàn cách đây 10 năm, một công nhân xây dựng chia sẻ thực tình về mức lương và những khó khăn của các lao động bất hợp pháp ở đây: “Em hết hợp đồng lao động thì ở lại làm chui. Sống bất hợp pháp, không giấy tờ nơi đất khách quê người khó khăn vất vả lắm anh. Tiếng không thạo nên khi mình đọc bản vẽ xây dựng cũng khó lắm. Tất cả vì kinh tế anh ạ, bọn em làm chủ trả lương theo ngày, mỗi ngày cũng được 200 - 250.000 won (4 - 5 triệu đồng)”.
 
Cũng như Ph, một lao động bất hợp pháp khác có nhiều kinh nghiệm xây dựng, em Đào Văn Tr, chia sẻ: “Bọn em có kinh nghiệm nên xin việc rất dễ. Nói thật là, có một số chủ lao động người Hàn muốn thuê các lao động bất hợp pháp như bọn em vì có kinh nghiệm, tiếng thạo hơn, không phải trả tiền thuế, bảo hiểm như các lao động hợp pháp. Lương thì thỏa thuận giữa hai bên, không theo mức Chính phủ Hàn Quốc quy định”.
 
Khác với Sáng, Ph và Tr, anh Huấn, sinh năm 1974, người Bình Giang, Hải Dương, lại sang Hàn Quốc lao động theo một cách “rất bất ngờ và dễ dàng”. Anh đi du lịch rồi trốn ở lại. Tính từ lúc đó tới nay cũng 8 năm có lẻ. Anh sang trước, xin được việc trong một xưởng may, rồi kéo vợ sang theo cũng theo cách này.
 
Chị Thu, người vợ cùng quê với anh, chia sẻ: “Hai vợ chồng giờ làm may cả, chồng em là thợ chính nên lương cao và được chủ rất thích. Ở quê, bọn em không có công ăn việc làm nên sang đây kiếm đồng tiền bát gạo. Tất cả cũng vì miếng cơm, manh áo. Nghề may là do bọn em sang bên này tự học thôi”.
 
Cuộc sống và công việc của các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là các lao động bất hợp pháp, nhìn chung khá khó khăn và vất vả. Phần lớn họ đều là những lao động chân tay, muốn có tiền phải bỏ công sức của mình, người thì làm nhiều giờ, người thì lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại hay dễ gặp nguy hiểm.
 
“Em làm đồ nhựa nên cũng độc hại lắm. Việc này người Hàn không làm nên họ mới thuê lao động nước ngoài thôi. Mà người Việt Nam mình đa phần là cần cù chịu khó, không ngại việc”, Sáng nói.
 
Chia sẻ quan điểm với Sáng, Ph, cho biết: “Em làm xây dựng nên leo trèo cũng dễ gặp tại nạn nếu không cẩn thận. Mà khi việc đó xảy ra thì rất khổ. Chúng em là lao động bất hợp pháp thì làm gì có giấy tờ, bảo hiểm y tế. Chi phí chữa bệnh lại rất cao ở Hàn”.
 
Phần lớn lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Hàn sống trong các nơi ở chật chội, do chủ xây. Một số có gia đình thì đi thuê những căn nhà nhỏ kiểu cấp 4 hay tầng hầm để làm chỗ trú chân qua ngày như gia đình anh Huấn-chị Thu. Giá thuê dao động từ 200 - 450.000 won (4 - 9 triệu đồng) tùy theo diện tích, tiện nghi và vùng miền. Có một điểm chung thương tâm hay gặp ở các cặp vợ chồng lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Hàn đó là họ phải sống xa con, để con ở Việt Nam cho ông bà nuôi nấng dạy dỗ.
 
“Em sinh con thứ hai bên này rồi đưa về gửi ông bà nuôi. Con em vẫn còn bé. Em nhớ con lắm, nhất là khi thấy trẻ em Hàn vui chơi với bố mẹ chúng”, chị Thu tâm sự. Đưa con về Việt Nam cũng là cả một vấn đề với các cặp vợ chồng lao động bất hợp pháp. Họ phải nhờ người, nếu không nhờ được thì phải thuê người đưa con về vì không thể qua hải quan sân bay được.
 
Khăn vất vả là thế nhưng theo số liệu của các cơ quan chức năng Hàn Quốc và Việt Nam, số lao động Việt Nam ở Hàn Quốc ngày một tăng. Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở xứ sở kim chi chiếm 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại đây.
 
Xét tổng thể về mọi mặt thì Hàn Quốc hiện vẫn là một thị trường lao động hấp dẫn, dễ đi và dễ kiếm việc. Ở đâu có cầu tất sẽ có cung. Đó là một vấn đề mà các cơ quan chức năng của cả hai nước phải ngồi lại, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp thấu tình đạt lý.
 
 
icon icon
Trả lời nhanh
Tùy chọn
Back to top icon Trang chủ | Hướng dẫn | Quy định | Báo giá Quảng cáo | Hướng dẫn Thanh toán | Liên hệ
Email: info@TranPhong.com.vn
Xem tốt nhất trên trình duyệt Firefox hoặc IE với độ phân giải 1024x768 px
Add: Số 131 Quy Lưu - TP.Phủ Lý - Hà Nam. Tel: 0351 3 828 357 - Fax : 0351  3 828 357 - Mobile: 0987 113 911
Copyright © 2011 Cao đẳng thuỷ lợi bắc bộ. Thiết kế và phát triển bởi Trần Phong