Bí Quyết Viết Tin Tuyển Dụng Hiệu Quả Ngành Nhà Hàng Khách Sạn
Tiêu đề tuyển dụng
Tiêu đề tuyển dụng là yếu tố đầu tiên tác động đến ánh nhìn của ứng viên. Do đó, một tiêu đề tuyển dụng ngắn gọn, có tên chính xác về vị trí tuyển dụng cùng nhựng thông tin hấp dẫn khác như mức lương, địa điểm có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của ứng viên. Ví dụ, khi tuyển dụng vị trí nhân viên lễ tân, nhà tuyển dụng có thể đặt tiêu đề Nhân viên lễ tân (3.000.000 VND – 4.000.000 VND) hoặc Nhân viên lễ tân (TP.HCM). Những tiêu đề tuyển dụng như vậy sẽ đánh trúng đối tượng ứng viên mục tiêu và tạo được ấn tượng với ứng viên khi lướt qua một loạt danh sách thông tin tuyển dụng trên trang tìm kiếm việc làm.
Lưu ý tránh sử dụng những tiêu đề dài dòng, trùng lặp thông tin hoặc chứa quá nhiều từ viết tắt hoặc chuyên môn, gây sự ra khó hiểu cho ứng viên.
Tên công ty
Hãy viết tên chính thức của khách sạn, nhà hàng thay vì tên gọi của tập đoàn. Khi ứng tuyển các vị trí trong nhà hàng, khách sạn ứng viên thường có xu hướng tìm kiếm những thương hiệu nhà hàng, khách sạn quen thuộc. Do đó, nếu để tên gọi của tập đoàn sẽ tạo sự xa lạ hoặc nhầm lẫn thông tin cho ứng viên.
Mức lương
Đây là hạng mục tạo được sự ấn tượng và thu hút ứng viên trong toàn bộ tin tuyển dụng. Hãy đảm bảo rằng mức lương được ghi trong toàn bộ các phần của thông tin tuyển dụng đã hoàn toàn thống nhất với nhau. Tránh những trường hợp nhà tuyển dụng ghi trên tiêu đề là mức lương thỏa thuận nhưng trong phần mô tả công việc lại đưa ra khoảng lương từ “4.000.000 VND – 5.000.000 VND”, điều này sẽ gây nên sự hoang mang và không tin tưởng từ phía ứng viên cho đơn vị tuyển dụng.
Không nên viết một khoảng lương nhất định trong bảng tin tuyển dụng, thay vào đó, hãy thay thế bằng những khoảng lương. Nếu viết mức lương là 5.000.000 VND, ứng viên có thể hiểu là mức lương đã xác định như vậy và không thể thương lượng, tạo nên cảm giác e dè khi nộp đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, một khoảng lương rõ ràng sẽ tạo nên cảm giác yên tâm cho ứng viên khi có thể thương lượng với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn để đạt được mức lương phù hợp.
Hạn chế đưa mức tiền thưởng hoặc hoa hồng gộp chung vào với lương, như thế sẽ khiến ứng viên hụt hẫng sau khi phỏng vấn vì mức lương cứng không như mong muốn, tạo nên cảm giác chán nản và bỏ ngang.
Địa chỉ làm việc
Hãy đưa ra chính xác địa chỉ mà ứng viên sẽ làm việc sau khi ứng tuyển đạt yêu cầu. Không nên đưa đại chỉ trụ sở hay chi nhánh vào thông tin tuyển dụng. Vị trí làm việc rõ ràng sẽ giúp ứng viên dễ dàng cân nhắc trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển.
Phúc lợi nổi bật
Sau phần mức lương thì phúc lợi sẽ là vấn đề được ứng viên quan tâm kế tiếp. Các yếu tố phúc lợi đưa ra càng nổi bật càng tốt, giúp thu hút được sự chú ý của ứng viên khi quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển. Thay vì ghi chung chung về mức lương cạnh tranh, chính sách đào tạo tốt, …hãy ghi rõ nhất những gì mà đơn vị tuyền dụng có thể mang đến cho ứng viên trong suốt quá trình làm việc. Ví dụ:
Xét tăng lương và thăng chức sau 6 tháng
Đài thọ chi phí du lịch mỗi năm
Được tham gia các khóa đào tạo, training kỹ năng mềm và nghiệp vụ quản lý nhà hàng, khách sạn do công ty A tổ chức.
Với những phúc lợi cụ thể, rõ ràng sẽ tạo được niềm tin cho ứng viên, thúc đẩy quyết định nộp đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, không nên nêu quá nhiều phúc lợi với những gạch đầu dòng. Điều này tạo nên cảm giác hời hợt. Chính vì thế, hãy chọn lọc những điều kiện phúc lợi nổi bật nhất để đưa vào thông tin tuyển dụng.
Yêu cầu kỹ năng
Rất nhiều nhà tuyển dụng có sự nhầm lẫn về kỹ năng và chức vụ. Ví dụ, kỹ năng là quản lý và điều hành hoạt động của nhà hàng, khách sạn, đào tạo nhân viên còn chức vụ là Quản lý khách sạn hoặc Quản lý nhà hàng. Khi nhà tuyển dụng xác định chính xác các yêu cầu kỹ năng cần thiết đưa vào thông tin tuyển dụng sẽ giúp sàng lọc ứng viên một cách hiệu quả ngay từ ban đầu.
Bảng mô tả công việc
Hạn chế viết mô tả công việc dài dòng và dùng những từ nghiệp vụ chuyên môn, điều này sẽ khiến ứng viên khó hiểu và cảm thấy nản khi phải tiếp nhận một chuỗi quá nhiều thông tin. Do đó, một số gợi ý về cách thức viết mô tả công việc cho nhà tuyển dụng ngành Nhà hàng – Khách sạn như sau:
Truyền đạt nội dung ngắn gọn về trách nhiệm và công việc của vị trí tuyển dụng trong đoạn đầu tiên, gói gọn trong khoảng 3 câu. Nếu có thể, hãy cho ứng viên thấy được sự thú vị và tiềm năng khi ứng tuyển vào vị trí này.
Liệt kê những công việc cần làm theo từng đoạn văn ngắn với gạch đầu dòng rõ ràng
Tránh việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt lẫn lộn
Phân thành những phần cụ thể bao gồm: mở đầu tổng quan, mô tả công việc, yêu cầu kỹ năng và lời kêu gọi nộp đơn ứng tuyển.
Yêu cầu ứng viên
Phần này nên được phân ra về: yêu cầu bắt buộc và yêu cầu ưu tiên. Hãy để phần yêu cầu bắt buộc lên trước. Không nên đòi hỏi quá nhiều ở ứng viên mà chỉ tập trung vào những yêu cầu phù hợp với tính chất công việc của vị trí đang tuyển dụng. Ví dụ: khi tuyển dụng nhân viên lễ tân không nên đưa yêu cầu về “kỹ năng lãnh đạo” vào phần yêu cầu bắt buộc, vì đây là kỹ năng cần thiết, phù hợp hơn với cac vị trí tuyển dụng quản lý.
Phần yêu cầu ưu tiên có thể đưa ra những điều kiện về kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, chịu áp lực công việc, kỹ năng xử lý công viêc,…Việc đưa những yếu tố này vào phần yêu cầu ưu tiên sẽ giúp ứng viên cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn khi quyết định nộp đơn ứng tuyển.
Thông tin về đơn vị tuyển dụng
Khác với cách đưa thông tin giới thiệu cho khách hàng hoặc đối tác về dịch vụ của nhà hàng, khách sạn, điều ứng viên cần là những thông tin cụ thể về quy mô, thành tích đạt được của tập đoàn nhà hàng, khách sạn đang tuyển dụng, uy tín, tầm nhìn cũng như giá trị cốt lõi của đơn vị tuyển dụng. Phần thông tin về đơn vị tuyển dụng tốt nhất nên được cô đọng trong 2 – 3 đoạn ngắn.
Trên đây là 9 gợi ý nhỏ về cách thức viết tin tuyển dụng ấn tượng trong ngành Nhà hàng – Khách sạn mà chúng tôi muốn chia sẻ để nhà tuyển dụng có thêm những phương pháp đăng tin tuyển dụng hiệu quả, tìm kiếm được những ứng viên sáng giá cho các vị trí công việc.
|