Cách trả lời câu hỏi: Bạn còn câu hỏi nào nữa không?
Khi gần kết thúc buổi phỏng vấn, đa phần nhà tuyển dụng sẽ hỏi: "Bạn có câu hỏi nào không?" Các ứng viên nên dành thời gian và tâm trí cho việc đặt câu hỏi giống như trả lời câu hỏi. Dù bạn muốn hay không, mỗi câu hỏi bạn đưa ra có khả năng sẽ phản ánh hiểu biết của bạn về công ty, sự quan tâm của bạn tới vị trí tuyển dụng và cả đạo đức nghề nghiệp của bạn. Vậy làm sao để đặt câu hỏi một cách khôn ngoan và để lại ấn tượng tốt với người phỏng vấn?
Vì câu hỏi "Bạn có câu hỏi nào không?" thường nằm ở cuối buổi phỏng vấn nên đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trước khi có kết quả. Dưới đây là những vấn đề bạn nên hỏi và không nên hỏi khi người phỏng vấn đổi vị trí với bạn để có hiệu quả tốt nhất, nâng cao cho bạn kỹ năng phỏng vấn để nhà tuyển dụng có thể đánh giá cao năng lực của bạn.
1. Chuẩn bị câu hỏi
Câu hỏi này thuộc loại kinh điển đến không thể kinh điển hơn, vì thế nếu bạn tỏ ra quá lúng túng, người phỏng vấn sẽ nghĩ rằng bạn thiếu sự chuẩn bị và không coi trọng buổi phỏng vấn này. Chuẩn bị danh sách câu hỏi bạn muốn biết đáp án. Lưu ý rằng câu hỏi có thể thay đổi phụ thuộc vào ai đang phỏng vấn bạn. Chẳng hạn như, nếu là trưởng phòng hoặc quản lý, nhân viên phòng nhân sự, câu hỏi nên tập trung vào quy trình phỏng vấn hoặc cơ cấu tổ chức của toàn công ty. Nếu là quản lý nghiệp vụ tương lai, bạn nên đặt câu hỏi xoay quanh trách nhiệm ở vị trí đó. Nhìn chung mỗi ứng viên khi chuẩn bị đi phỏng vấn đều phải tự đặt câu hỏi nên chuẩn bị gì trước buổi phỏng vấn, xác định cho mình rõ các kỹ năng, và sự chuẩn bị vững vàng về tâm lý, có như vậy quá trình phỏng vấn mới đạt hiệu quả tốt.
2. Chủ đề không nên hỏi
Đây là dạng câu hỏi mở nhưng bạn nên tránh xa các chủ đề sau trong câu hỏi đặt ra:
Các hoạt động ngoài giờ: Đặt câu hỏi về văn hóa công ty là tốt nhưng câu hỏi nên tránh tập trung vào các hoạt động ngoài giờ như đi chơi, giờ ăn chưa hay thời gian đi du lịch, nghỉ mát. Loại câu hỏi này sẽ không tạo được ấn tượng tốt với người phỏng vấn, nhất là quản lý nghiệp vụ và giám đốc công ty, khiến họ thấy rằng có vẻ bạn chẳng quan tâm gì đến công ty hay công việc cả. Tương tự, không nên hỏi bạn cần làm bao nhiêu tiếng mỗi ngày/mỗi tuần.
Cuộc sống cá nhân của người phỏng vấn hay chuyện phiếm ở văn phòng: Cư xử với người phỏng vấn một cách nhã nhặn như cách bạn muốn họ đối với mình, không hỏi về cuộc sống hay gia đình họ và không sa đà vào tán gẫu về người mà cả hai cùng quen ở công ty.
Điều bạn có thể tự tìm hiểu: Nếu câu hỏi dễ dàng tìm thấy có đáp án khi truy cập vào trang web công ty thì bạn không nên lãng phí thời gian của cả hai vào nó.
Lương và phúc lợi: Đây là yếu tố quan trọng cần biết khi bạn làm việc ở bất kỳ vị trí nào thế nhưng giờ chưa phải lúc để hỏi, nhất là đây mới là vòng phỏng vấn đầu tiên. Nếu cần thì người phỏng vấn sẽ tự đề cập với bạn.
Câu hỏi quá phức tạp hoặc nhiều nội dung: Không nên hỏi câu quá nhiều nội dung hoặc phức tạp mà người phỏng vấn không thể trả lời bạn ngay được. Chỉ hỏi một lần một câu, đừng đánh đố họ.
Đặt quá nhiều câu hỏi: Bạn có thể chuẩn bị rất nhiều nhưng đừng cố phải hỏi cho bằng hết, nhất là khi họ bắt đầu sắp xếp giấy tờ, liếc nhìn đồng hồ hay điện thoại, mở máy tính. Đó là lúc bạn nên dừng lại.
3. Chủ đề nên hỏi
Hướng đến các câu hỏi mở, đừng hỏi câu hỏi nghi vấn dạng "có" hoặc "không". Dưới đây là một số loại câu hỏi thích hợp.
Câu hỏi về vị trí tuyển dụng: Đây là cơ hội tốt để tìm hiểu nhiều hơn về công việc bạn sẽ làm ở vị trí đó nếu nó chưa được đề cập ở phần đầu phỏng vấn. Tham khảo một số câu hỏi sau:
Bạn có thể nói một chút về công việc hàng ngày của vị trí này không?
Tại sao chức vụ này lại còn trống - công ty mới có nhu cầu ở vị trí này sao? Nếu không thì tại sao nhân viên đó lại nghỉ việc?
Nếu tôi được nhận, bạn muốn tôi đạt được mục tiêu gì ở những tháng đầu tiên?
Cơ chế đánh giá hiệu suất làm việc của công ty là gì và khi nào tôi nhận được đánh giá chính thức đầu tiên?Theo bạn, yếu tố nào quan trọng nhất để làm tốt công việc này?
Câu hỏi về công ty hoặc người phỏng vấn: Đây là cơ hội tốt để bạn tìm hiểu thêm về văn hóa công ty.
Cơ cấu tổ chức và phong cách quản lý ở công ty là gì? Điều gì khiến bạn hài lòng với công việc hiện tại?
Bạn đã làm ở công ty được bao lâu rồi?
Bạn có thể chia sẻ một chút về văn hóa công ty không?
Mục tiêu phát triển của công ty trong năm tới là gì?
Để giúp cho buổi phỏng vấn thành công các bạn ứng viên hãy luôn biết rằng đi phỏng vấn đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn, bạn hãy chủ động tự đặt ra những câu hỏi về những xoay quanh thắc mắc trong nội dung phỏng vấn, như vậy sự tương tác của bạn với nhà tuyển dụng sẽ tốt hơn, một phần giúp bạn thể hiện tư duy của bản thân, phần khác giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao năng lực của bạn.
|