Nỗi sợ chung của người tìm việc
Giai đoạn tìm việc luôn khiến chúng ta căng thẳng, bất kể là khi mới ra trường hay khi muốn nhảy việc. Chúng ta luôn phải chịu áp lực nào đó từ xã hội để tìm ra định mệnh của đời mình, điều đó khiến chúng ta lo lắng. Mỗi người đều sẽ đối mặt với nỗi sợ chung khi tìm việc làm mới. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nỗi sợ đó và cách xử lý chúng ra sao nhé.
Không ai cũng may mắn chọn đúng công việc yêu thích ngay từ đầu, trên một giai đoạn đường đời nào đó, có thể đột nhiên bạn tìm ra công việc mà bấy lâu nay bạn hằng mơ ước. Bạn có dám thay đổi không hay đành bỏ lỡ? Cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu bạn không gắng sức vì nó? Làm sao để bạn rời bỏ công việc nhàm chán hiện tại và tìm kiếm định mệnh đời mình?
Bạn chính là người quyết định số phận của mình. Ngay cả khi chưa có được công việc mơ ước, bạn vẫn sẽ vui vẻ hơn vì đã dám nỗ lực vì nó. Đừng để nỗi sợ hãi làm bạn sờn lòng hay ngăn bạn thử sức. Dưới đây là 5 nỗi sợ chung của người tìm việc làm và cách để bạn ứng phó với nỗi sợ đó.
1. Không nhận được phản hồi
Người tìm việc thường có thói quen dải đều cơ hội khi ứng tuyển, nghĩa là nộp CV xin việc giống nhau cho mọi vị trí xin việc. Điều này khiến cho tỷ lệ bạn nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng là rất thấp. Vì thế, điều quan trọng và dành chút thời gian để tìm hiểu về công ty ứng tuyển, giá trị của họ và họ phù hợp với bạn ra sao để đưa vào đơn xin việc.
Chủ động là điều tốt, nhưng nếu họ không phản hồi gì thì sao? CV xin việc của bạn sẽ giống kim chìm dưới đáy đại dương thì sao? Tiếc là, bạn không thể bảo đảm được điều gì cả. Có thể họ sẽ chẳng gọi điện cho bạn, thật là đáng chán. Nhất là khi bạn đã gửi rất nhiều công ty nhưng không nhận về một tin tức nào. Lòng tự trọng của bạn sẽ bị tổn thương không hề nhẹ.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là, sự im lặng của họ chẳng ảnh hưởng gì đến tương lai của bạn cả. Chấp nhận sự thực rằng có người phù hợp với vị trí đó hơn bạn, nhưng không có nghĩa bạn sẽ lại thất bại ở công việc tiếp theo. Hãy chăm chút cẩn thận cho từng đơn xin việc của bạn, sau đó tiếp tục tập trung cho CV tiếp theo. Xem lại và tìm ra thiếu sót để làm tốt hơn trong tương lai. Đừng lãng phí thời gian để nghĩ quá nhiều về sai lầm, công việc sẽ không đến với bạn đâu, chỉ có nỗi lo lắng và hoài nghi mà thôi.
2. Hoài nghi bản thân
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể xác định được chính xác năng lực của bản thân để mang đến bàn đàm phán? Như vậy, rất khó để PR bản thân bạn trước nhà tuyển dụng. Hãy cân nhắc lại xem bạn có nên ứng tuyển không khi mà không biết làm sao để khẳng định mình. Bắt đầu xác định vì sao bạn lại muốn làm việc đó, bạn sở hữu những kỹ năng và kiến thức nào để cho rằng mình thích hợp với vị trí đó.
3. Sợ bị từ chối
Điều đáng sợ hơn cả sự im lặng, đó là bạn nhận được phản hồi, được mời đến phỏng vấn và sau đó bạn trượt. Cái tôi của chúng ta rất mong manh, dễ vỡ. Chẳng ai vui vẻ được khi bị từ chối cả, nhất là thứ mà bạn thực sự khao khát. Khi đi xin việc, bạn không chỉ bị từ chối, họ còn đang bóp nát giấc mơ của bạn.
Sợ bị từ chối là bình thường và chẳng ai tránh được. Có thể bạn sẽ bị từ chối, nhưng nhớ rằng nếu bạn không bao giờ thử thì bạn vẫn thất bại như thường. Nếu bạn không dám nộp đơn ứng tuyển có nghĩa là bạn đang tự đóng lại cơ hội của chính mình.
4. Sợ thay đổi
Bạn đã làm một công việc trong quá khứ mà không thể khơi dậy hứng thú và đam mê trong bạn, không thể kéo bạn ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng, có lẽ đó không phải công việc bạn yêu thích hay phù hợp với tính cách của bạn. Biết là vậy nhưng bạn lại sợ phải tìm việc mới. Cứ nghĩ đến tìm việc mới là bạn lại mất ngủ cả đêm.
Thông thường, người ta sợ những gì chưa biết. Chúng ta sợ bóng tối vì ta không biết đằng sau bóng tối kia là gì. Nhiều người làm việc mình không thích từ năm này qua năm khác ngay cả khi chẳng vui vẻ gì nhưng lại không có dũng khí thay đổi.
Thay đổi là đáng sợ, nhưng cũng là một trong những điều quý giá nhất của cuộc sống. Tự hỏi mình điều gì khiến bạn sợ hãi, thường thì chỉ khi dám đối mặt với nỗi sợ đó, bạn mới biết thực ra nó không đáng sợ như mình vẫn tưởng. Đối mặt với nỗi sợ không tên của bạn và bước tiếp thôi!
5. Sợ không nhận được mức lương mong muốn
Công việc bạn mơ ước mang lại cho bạn những thứ còn quan trọng hơn tiền, nếu không thì nó đã không phải công việc mơ ước. Nhưng hãy đối mặt sự thực là tiền vẫn là hậu thuẫn vô cùng giá trị của bất cứ ai. Tiền không phải là tất cả, nhưng nó là phương tiện để bạn có nhà ở, đồ ăn, xe cộ đi lại, nó còn cho bạn tự do làm điều mình thích. Nếu không có tiền, liệu bạn có tự do thực sự?
Nếu bạn muốn đổi nghề và không biết nhiều về mức lương trong ngành nghề đó, đừng lo lắng, website cung cấp thông tin về lương trên thị trường lao động hiện giờ không thiếu. Nếu bạn không giỏi đàm phán và sợ phải đề xuất mức lương cho mình, hãy tìm hiểu và chuẩn bị trước để tự tin đàm phán với nhà tuyển dụng.
Nói chung, cố gắng đừng suy nghĩ quá nhiều, đừng biến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ và chất đầy hoài nghi, lo lắng bất kể bạn đang trong hoàn cảnh nào. Dù bạn đang thất nghiệp hay đang muốn đổi nghề, hãy cứ hưởng thụ quãng thời gian mình còn đang sống. Mọi thứ đều là tạm thời. Dù bạn thành công hay thất bại, vui vẻ hay không thì thời gian vẫn sẽ trôi qua. Vậy tại sao lại không vui vẻ và tập trung vào những thứ mình muốn làm và cần làm ở thời điểm hiện tại?
|