Muốn bứt phá trong sự nghiệp, nói ít thôi hãy hành động nhiều lên
Bạn đang chững lại ở một giai đoạn trong sự nghiệp và không cách nào tiến bước? Bạn muốn đảm nhận vị trí quan trọng hơn nhưng bạn đang lạc lối và không biết làm gì để cải thiện tình trạng hiện nay? Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra phương hướng để bứt phá trong sự nghiệp.
Mỗi một sự thay đổi lớn luôn ẩn chứa cả rủi ro và cơ hội, đó là lý do tại sao bạn luôn chần chừ và do dự khi quyết định tạo ra bước ngoặt lớn. Bạn muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp nhưng lại sợ thất bại. Đừng để nỗi sợ hãi cản trở bước tiến của bạn, đã đến lúc bạn nên dừng suy nghĩ và chuẩn bị mọi thứ để nắm bắt cơ hội.
1. Đừng sợ thất bại
Nỗi sợ hãi là một trong những nhân tố quan trọng làm cản trở bước tiến và quyết định hành động của bạn, bạn nghĩ ra ý tưởng mới nhưng không dám trình bày với sếp cũng như bảo vệ lập trường của bản thân. Bạn không dám gánh vác và chịu trách nhiệm vì sợ sẽ thất bại. Nỗi sợ là phản ứng bình thường khi chúng ta phải đối mặt với những bất ngờ và thay đổi. Không ai dám chắc 100% mình sẽ thành công, nhưng nếu bạn không tin tưởng chính mình thì không ai đặt niềm tin vào bạn. Đừng để sợ hãi khiến bạn dậm chân tại chỗ, hãy làm những điều bạn cho là đúng và can đảm gánh vác khi được giao nhiệm vụ mới. Không ai mãi muốn mình là một nhân viên quèn, do đó bạn phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để có thể vươn lên nhiều vị trí cao hơn như quản lý, giám đốc... không có gì quá khó nếu như chúng ta không cố gắng, phải luôn tự tin ở bản thân mình.
2. Học kỹ năng, kiến thức mới
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc học kiến thức, kỹ năng mới trở thành điều vô cùng cần thiết để gia tăng ưu thế và khả năng cạnh tranh cho mỗi chúng ta trên thị trường lao động. Dù kiến thức chuyên môn của bạn có giỏi đến đâu, nhưng nếu bạn không có kỹ năng máy tính và công nghệ thì chắc chắn bạn không thể tiến xa hơn. Kỹ năng mềm quan trọng đối với tất cả mọi người, tất cả mọi ngành nghề, dù bạn là nhân viên văn phòng, kế toán, hay là nhân viên marketing online hay kinh doanh... thì đều bắt buộc phải có kỹ năng mềm, như vậy mới đảm bảo được hiệu quả công việc.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng khác sẽ tạo đà cho bạn nâng cao hiệu quả làm việc và tiếp thêm động lực để bạn phát huy hết tiềm năng của bản thân. Không chỉ là kỹ năng bên lề, quá trình làm việc còn là cơ hội để bạn bổ sung kiến thức chuyên ngành và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
3. Mở rộng và phát triển các mối quan hệ
Đừng nghĩ rằng chỉ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng là chắc chắn bạn sẽ thành công và thăng tiến trong sự nghiệp. Ngày nay, mạng lưới quan hệ trở thành một trong những yếu tố then chốt để phát triển sự nghiệp, bao gồm mối quan hệ với bạn bè, sếp, đồng nghiệp, nhà cung cấp, v.v...
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp không có nghĩa bạn phải tâng bốc, bợ đỡ họ nhưng những lời thăm hỏi, quan tâm, các dịp tụ tập và những lời nói có cánh là không thể thiếu. Khen người khác dựa trên ưu điểm và những mặt tích cực của họ không có gì là sai cả.
4. Thái độ làm việc tích cực
Bạn đã từng nghe câu này chưa: Nếu muốn thành công, bạn phải học được cách làm những việc mà người khác không làm? Đây là câu nói đáng suy ngẫm của Jack Ma - người sáng lập Alibaba. Ông còn nói, khi người khác than phiền, đó chính là cơ hội của bạn. Hãy nhìn nhận vấn đề như một cơ hội dành cho bạn.
Nếu bạn muốn có sự nghiệp thành công hơn người khác, bạn cũng phải hi sinh nhiều hơn, cả về thời gian và sức lực. Hãy học cách làm việc dựa trên kết quả thay vì dựa trên thời gian. Những người khác tan làm đúng giờ, bạn cũng đúng giờ tan làm thì bạn sẽ không có được cơ hội thăng tiến tốt hơn.
|