4 cách giúp bảo vệ sức khỏe nhân viên văn phòng
Ghế và tư thế ngồi phải thẳng
Các nhân viên làm việc văn phòng thường bị đau cổ tay, cột sống và cổ - vai - gáy. Điều này phụ thuộc vào ghế ngồi và tư thế ngồi làm việc. Nếu tư thế ngồi của bạn không phù hợp thì sẽ vô hình chung tạo ra sức ép của cơ thể lên toàn bộ cột sống và dẫn đến các triệu chứng đau kể trên. Đây cũng là những căn nguyên khiến họ phải đi gặp bác sĩ.
Hiệp hội Trị liệu thần kinh cột sống Mỹ (ACA) nhận định rằng, đau lưng có thể là căn nguyên gây ra bởi tư thế ngồi và ghế ngồi không phù hợp. Tình trạng này còn liên quan đến bệnh béo phì và trầm cảm tâm lý…
Để hạn chế bệnh văn phòng, bạn nên đứng lên và di chuyển càng nhiều càng tốt, bất kỳ lúc nào có thể. Không nên ngồi để với lấy các đồ dùng nhằm tránh việc căng cơ quá mức. Khi ngồi trước máy tính, bạn nên ngồi ngay ngắn giữa màn hình và bàn phím.
Ngồi thẳng lưng, hai chân thả lỏng thoải mái trên sàn nhà. Đặt hai đùi ngang với đầu gối và hông. Khi đánh máy, cổ tay phải để trong một vị trí thẳng và tư thế tự nhiên, cách này sẽ làm giảm căng thẳng lên cổ tay.
Một số tư thế ngồi sẽ gây phiền hà cho sức khỏe là ngồi rũ người sẽ gây nhiều áp lực lên vùng lưng dưới, làm tổn hại các dây chằng, các khớp xương và mô mềm dẫn đến lưng còng. Ngồi bắt chéo chân sẽ khiến hông bị ảnh hưởng, gây tê và khó khăn khi ngồi thẳng dậy. Ngồi bắt chéo chân cũng dẫn đến sự mất cân bằng cơ tại hông, gây đau và cứng khớp. Ngồi gập người về phía trước khiến ngực bị xiết chặt và làm yếu lưng trên làm mất cân đối ở lưng trên, gây đau...
Sử dụng máy tính hợp lý
Dù máy tính giúp cho hàng triệu triệu người làm việc một cách dễ dàng và hiệu quả nhưng nó cũng khiến cho sức khỏe của họ ngày càng tệ hơn. Máy tính cũng ảnh hưởng tới tư thế ngồi, do vậy, để hạn chế tình trạng này, cần đặt màn hình dưới mắt, khoảng cách từ mắt đến màn hình bằng chiều dài cánh tay. Việc sử dụng máy tính còn liên quan trực tiếp đến mắt và cổ tay người sử dụng.
Để tránh căng thẳng cho mắt, cả máy tính và hệ thống chiếu sáng văn phòng cần phải phù hợp. Màn hình có thể được điều chỉnh sao cho độ chiếu sáng và mức độ tương phản của nó phải đáp ứng với các điều kiện chiếu sáng trong phòng, không được quá sáng. Độ chói của màn hình là căn nguyên gây mỏi mắt, tốt nhất là không để màn hình máy tính gần cửa sổ đối diện. Nếu bạn ngồi gần kề cửa sổ, hãy sử dụng tấm màn sáo để giảm bớt ánh sáng hắt vào màn hình.
Việc ngồi đánh máy sai tư thế có thể dẫn đến các chấn thương. Khi các mô bao quanh khớp xương tổn thương sẽ khiến bạn bị đau âm ỉ. Một thông điệp quan trọng khi làm việc tại văn phòng là cần để cho mắt thư giãn thường xuyên bằng cách dời mắt khỏi màn hình, đi tới cửa sổ và nhìn ra khoảng không phía xa có màu xanh tươi mát.
Cơ quan Hành chính sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ (OSHA) khuyến nghị rằng, nhân viên văn phòng phải làm việc nhiều với máy tính nên dành 10 phút giải lao/1 giờ làm việc, nó sẽ cho phép cơ thể hồi phục và giảm nguy cơ căng thẳng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Môi trường văn phòng thường đầy cám dỗ với các thức ăn sẵn như đồ uống ngọt và các món ăn nhẹ nhiều chất béo. Nhiều nhân viên văn phòng thường nhịn bữa sáng và thường bổ sung năng lượng cho cơ thể bằng các thức ăn này. Việc mang theo bữa ăn nhẹ và đồ ăn trưa sẽ giúp bạn hạn chế được các thức ăn có hại này.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ (ADA) thì cứ mỗi 4 tiếng nên ăn nhẹ 1 lần. Để tránh nguy cơ ăn uống vô tội vạ, bạn nên chuẩn bị những gói nhỏ các loại hạt và đồ ăn nhẹ cho chính mình. Ăn càng nhiều trái cây càng tốt.
Không nên ăn trưa tại văn phòng bởi nó khiến bạn ít vận động. Việc ăn trưa tại văn phòng cũng tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Rời bàn làm việc để nghỉ giải lao giúp nhân viên tái lập nhóm giúp họ tránh xa nơi làm việc trong một khoảng thời gian, điều này rất quan trọng đối với vai trò của hệ thần kinh. Nghỉ giải lao đúng cách có thể giúp làm giảm trầm cảm vốn là căn nguyên gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe.
Tăng cường vận động
Rất may mắn là công việc văn phòng cũng cho bạn thời gian để lựa chọn các biện pháp cải thiện sức khỏe. Tùy từng công việc, bạn có thể làm những việc sau: Đi lại khi rỗi rãi bằng cách thức đi bộ hay đi xe đạp tại khuôn viên công sở; đứng càng nhiều càng tốt thay vì ngồi khi làm việc; vận động cơ thể khi bạn rời ghế; dành thời gian nghỉ giải lao tí chút để đi lại rồi hãy trở lại ghế ngồi tiếp tục làm việc; đứng dậy mỗi 45 phút làm việc và đi bộ ít nhất là 7.000 bước mỗi ngày…
|