4 cách Phát triển Kỹ năng Lắng nghe của bạn
Sai lầm phổ biến của lãnh đạo
Một cuộc thăm dò không chính thức gần đây được thực hiện bởi Marcel Schwantes trên LinkedIn. Ông đặt câu hỏi khảo sát: “Sai lầm nào mà nhà lãnh đạo thường gặp hơn những người khác?”
Tổng hợp hàng trăm câu trả lời được đưa ra, ông xếp hạng và công bố “8 Sai lầm phổ biến được nhân viên của họ đưa ra.” Trong số đó có 3 sai lầm phổ biến là:
Thiếu giao tiếp hai chiều.
Gửi thông tin mà không nhận được phản hồi.
Phần lớn mọi người không thực sự lắng nghe trong khi giao tiếp. Chúng ta đang nghe ai đó nói, nhưng trong đầu chúng ta đang suy nghĩ về một điều khác, ví như: “Khi nào anh ta sẽ ngừng nói để tôi có thể nói với anh ấy rằng tôi có một quan điểm khác và tôi nói đúng?”
Đó là lý do kỹ năng lắng nghe tích cực phải được dạy trong các trường kinh doanh. Đây là một trong những kỹ năng được dạy ít nhất trong lãnh đạo, nhưng thực tế nó lại được sử dụng nhiều nhất. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo cho rằng họ là những người lắng nghe tốt, các nghiên cứu khẳng định hầu hết chúng ta đều là những người nghe kém và không hiệu quả. Khi bạn nói chuyện với sếp, đồng nghiệp, hoặc khách hàng trong 10 phút, các nghiên cứu chỉ ra rằng sau cuộc nói chuyện 48 giờ, bất kỳ thông tin nào chúng ta giữ lại sẽ giảm xuống còn 25%. Nói cách khác, chúng ta thường hiểu và giữ lại chỉ một phần tư những gì chúng ta nghe thấy!
4 cách phát triển kỹ năng lắng nghe
Là một nhà lãnh đạo, việc xây dựng kỹ năng lắng nghe tích cực là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề, xây dựng niềm tin, và giành được trái tim của cộng sự. Dưới đây là 4 kỹ thuật giúp bạn lắng nghe tốt hơn:
1. Đầu tiên, hãy lắng nghe để hiểu
Peter Drucker từng nói, “Điều quan trọng nhất trong giao tiếp là nghe những gì không được nói.” Tức là khả năng nhận biết được những gì đang xảy ra với người đối diện – bằng cách phản ánh lại những gì bạn đã nghe được để làm rõ (“Những gì tôi nghe bạn nói là …”), và đặt câu hỏi để thăm dò cảm xúc hoặc ý kiến của người kia về chủ đề của cuộc trò chuyện. Đơn giản như: “Hãy nói cho tôi cảm giác của bạn về điều này.”
2. Lắng nghe bằng cách cho đối phương được nói thoải mái
Những người thông minh là những người có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời, đặc biệt là với những người mà họ vừa mới gặp. Đó là bởi vì họ hiểu bản chất con người – hầu hết mọi người thích nói về bản thân họ, và những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ để cho người khác được làm điều đó. Họ sẽ làm cho người mới quen cảm thấy được chào đón và đánh giá cao bằng sự lắng nghe, chứ không phải là sự thiếu kiên nhẫn với một bài phát biểu dài dặc.
Hầu hết chúng ta không thể kiên nhẫn chờ đợi để khẳng định bản thân với khách hàng tiềm năng hoặc với người mới quen, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội lớn hơn để lắng nghe và nhận thêm thông tin, điều sẽ làm cho chúng ta nhìn nhận tốt hơn sau đó.
3. Lắng nghe với sự quan tâm
Đã có xung đột trước đây? Nếu bạn thực sự muốn kết nối lại với những người đã xa cách bạn, thì lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của người khác trong tâm trí là chiếc chìa khóa vàng. Đặt ngay trong đầu câu hỏi: “Tôi có thể giúp họ như thế nào?” Bạn sẽ được hưởng lợi từ cách lắng nghe này bởi vì bạn mở lòng và dễ tiếp thu hơn khi có tâm thế muốn giúp đỡ người khác.
4. Lắng nghe với sự thấu cảm
“Lắng nghe thực sự là khi bạn nhìn thấy mọi thứ mà họ nhìn thấy, và cảm nhận những điều mà họ cảm nhận.”
Điều này có nghĩa là bạn tự dọn sạch tâm trí hoàn toàn khỏi tiếng ồn và tiếng nói nhảm nhí bên trong đầu bạn. Nó có nghĩa là bạn thực sự hiện diện và ý thức với người khác. Nó có nghĩa là không chuẩn bị để trả lời. Bạn hoàn toàn không bị phân tâm bởi sự cần thiết phải giải thích, bảo vệ hoặc sửa chữa quan điểm của mình. Vâng, đó là công việc khó khăn, nhưng đây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng niềm tin với người khác.
|