Kinh Nghiệm Chuyển Việc Để Thành Công
1. Lên kế hoạch rõ ràng. Một sự thay đổi công việc thông minh nhất chính là vẽ ra cho mình một bản đồ chiến lược hiệu quả. Trong bản đồ này là những kế hoạch hành động chi tiết gồm: nguồn tài chính, nghiên cứu công ty mới, năng lực chuyên môn và đào tạo. Hãy nhớ rằng tìm kiếm một công việc mới không phải một sớm một chiều. Nó có thể kéo dài đến vài tháng hoặc lâu hơn nữa. Do đó, kiên nhẫn chính là chìa khóa trong chiến thuật này.
2. Chờ thời cơ. Bạn có thể không tìm ngay được công việc mong muốn, nhưng bạn có thể tích lũy kinh nghiệm cho mình để chuẩn bị kiến thức cho lĩnh vực mới. Có rất nhiều cách để bạn có thể tiến trên con đường sự nghiệp sắp tới; bạn có thể xung phong hoặc tự mình làm những công việc như là một người làm nghề tự do hoặc tư vấn viên. Điều này có thể giúp bạn thử sức trong lĩnh vực mà mình mơ ước. Sau một thời gian, khi kinh nghiệm đã đủ “chín”, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn cho quyết định chuyển công tác này.
3. Biết chắc những lý do của bạn. Bất mãn với công việc hiện tại không phải là lý do chính để bạn tạo một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình. Bạn cần phải phân tích xem có phải là bạn ghét công việc đó hay là bạn không hài lòng về sếp, hay là do một tình huống không hay ho xảy ra trong công ty. Làm tốt công việc này, bạn sẽ không phải hối hận khi ra đi.
4. Nghiên cứu. Xem xét tất cả những khả năng có thể xảy ra trước khi cố gắng “nhảy” việc là một việc làm hết sức quan trọng. Bạn cần chia sẻ với những người trong mối quan hệ của mình, tìm hiểu công việc và gặp gỡ với những nhà quản lý chuyên nghiệp. Họ sẽ cho bạn lời khuyên hoặc gợi mở những cơ hội mới trong tương lai. Nhớ rằng, càng nắm chắc nhiều thông tin, khả năng thành công của bạn càng lớn.
5. Quyết định xem điều gì là quan trọng. Đây là thời gian tốt nhất để bạn nghĩ đến những ảnh hưởng của việc chuyển công tác tới chính bản thân mình. Bạn hãy tự hỏi xem điều gì bạn thực sự muốn làm cho quãng đời tiếp theo. Bạn có thể liệt kê những điều thích và không thích, đánh giá những kỹ năng, giá trị và mối quan tâm cá nhân của bạn.
Thực tế cũng đã có nhiều người đang muốn thay đổi công việc là để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc của mình, nhưng cũng không ít người với lý do vì lương bổng. Do vậy, bạn có thể tìm đến một người tư vấn hoặc thực hành các bài test về nghề nghiệp để trả lời cho câu hỏi: bạn muốn ra đi vì điều gì.
6. Đánh giá năng lực bản thân. Liệu bạn đã có những kinh nghiệm và chuyên môn khi sẵn sàng thử sức với lĩnh vực mà mình mong muốn? Nếu không có, bạn phải nhanh chóng tìm cách để đầu tư kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Điều này có nghĩa là bạn cần phải lên một kế hoạch dài hạn cho việc đào tạo năng lực chuyên môn.
7. Tìm hiểu về lĩnh vực bạn quan tâm. Muốn làm được việc, bằng cách này hay cách khác, bạn cần phải tìm hiểu về lĩnh vực mình thích. Bạn có thể đọc các bài báo, tham dự các cuộc hội thảo, gặp gỡ mọi người và chia sẻ với họ về những điều bạn quan tâm. Báo chí thương mại, các tổ chức, website của công ty là nơi gợi mở cho bạn rất nhiều cơ hội mới.
8. Phát triển các mối quan hệ. Hãy bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng các mối quan hệ và duy trì nó. Các tổ chức chuyên nghiệp và hiệp hội ngành thương mại là những nơi rất tốt để bạn thực hiện điều đó. Tham gia các hội chợ việc làm hoặc các sự kiện xã hội sẽ cho bạn nhiều sự lựa chọn hơn.
9. Update các kỹ năng tìm kiếm công việc. Đây là cách quan trọng để bạn có thể có phát triển các kỹ năng và kỹ xảo tìm việc của mình trước khi bắt đầu mở rộng các mối quan hệ. Hãy chắc rằng bạn sử dụng thời gian và các nguồn tìm kiếm việc mới một cách có hiệu quả nhất.
10. Hiểu rằng bạn có thể ở vị trí “còi” trong công ty mới. Bạn đừng nghĩ rằng mình có thể bắt đầu công việc mới theo cách đã làm với công việc cũ. Và bạn đừng hi vọng rằng mình có chỗ đứng tương tự khi vào công ty mới. Ở đâu cũng vậy, chỉ có sự cố gắng và một thời gian cống hiến mới có thể nhấc bạn lên vị trí cao hơn.
|