Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn
Việt Nam là một đất nước có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn, lao động ở nông thôn cũng chiếm gần 70% lực lượng lao động của cả nước. Mặc dù trong những năm qua, xu hướng đô thị hóa đang gia tăng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, "đến năm 2014, có 69,3% lực lượng lao động nước ta tập trung ở nông thôn"
Đặc điểm của lao động nông thôn Việt Nam
Việt Nam là một đất nước có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn, lao động ở nông thôn cũng chiếm gần 70% lực lượng lao động của cả nước. Mặc dù trong những năm qua, xu hướng đô thị hóa đang gia tăng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, "đến năm 2014, có 69,3% lực lượng lao động nước ta tập trung ở nông thôn"1.
Lao động nông thôn là những người thuộc lực lượng lao động, tham gia hoạt động trong hệ thống các ngành kinh tế nông thôn như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn. Đây là lực lượng chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Lao động nông thôn ở nước ta có những đặc điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, lao động nông thôn sống và làm việc rải rác trên địa bàn rộng. Đặc điểm này làm cho việc tổ chức hợp tác lao động và việc bồi dưỡng đào tạo, cung cấp thông tin cho lao động nông thôn là rất khó khăn. Hơn nữa, lao động nông thôn nước ta chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với năng suất lao động thấp, phương thức sản xuất còn nhiều lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao.
Thứ hai, lao động nông thôn ở nước ta đa số trình độ văn hoá và chuyên môn thấp hơn so với thành thị. Theo số liệu thống kê năm 2015, "trong tổng số 53,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của nước ta, có 9,99 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 18,6% trong tổng số lao động trên cả nước, trong đó ở thành thị là 33,7%, ở khu vực nông thôn là 11,2%, phân theo giới tính tỷ lệ này là 20,3% đối với nam và 15,4% đối với nữ"2. Hơn nữa, hiện nay ở nước ta có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi nhưng chỉ có 17% trong số đó được đào tạo thông qua các lớp tập huấn khuyến nông sơ sài, còn lại 83% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp3. Do đó, lao động nông thôn chủ yếu học nghề thông qua việc hướng dẫn của thế hệ trước hoặc tự truyền cho nhau nên lao động theo truyền thống và thói quen là chính. Điều đó làm cho lao động nông thôn có tính bảo thủ nhất định, tạo ra sự khó khăn cho việc thay đổi phương hướng sản xuất và thực hiện phân công lao động, hạn chế sự phát triển kinh tế nông thôn.
Thứ ba, lao động nông thôn mang tính thời vụ rõ rệt, đặc biệt là các vùng nông thôn thuần nông. Do vậy, việc sử dụng lao động trong nông thôn kém hiệu quả, hiện tượng thiếu việc làm là phổ biến. Muốn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn thì phải bằng mọi biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa tính thời vụ bằng cách phát triển đa dạng ngành nghề trong nông thôn, thâm canh tăng vụ, xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý.
Thứ tư, lao động nông thôn ít có khả năng tiếp cận và tham gia thị trường kém, thiếu khả năng nắm bắt và xử lý thông tin thị trường, khả năng hạch toán hạn chế. Do đó, khả năng giao lưu và phát triển sản xuất hàng hoá cũng có nhiều hạn chế. Tập quán sản xuất của lao động nước ta nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu bị trói buộc trong khuôn khổ làng xã.
Với những đặc điểm như trên, lao động nông thôn chủ yếu thuộc bộ phận dân số không có việc làm thường xuyên, hay còn gọi là thiếu việc làm hoặc bán thất nghiệp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn còn do lao động tăng nhanh, do diện tích ruộng đất trên một lao động ngày càng giảm. Tình trạng đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính lao động nông thôn mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, gây lãng phí một nguồn lao động lớn ở nước ta.
Thực trạng giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn trong những năm qua
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều đó được thể hiện ở nhiều chính sách như chính sách đất đai, chính sách tín dụng nông thôn, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn...
Thứ nhất, chính sách đất đai: Người nông dân luôn gắn với đất đai bởi đó là tư liệu sản xuất trực tiếp của họ. Kể từ khoán 100, khoán 10 cho đến Luật Đất đai năm 2003, Đảng và Nhà nước ta đã từng thực hiện việc giao đất cho nông dân. Đất đai trở thành nguồn sinh lợi chủ yếu của nông dân. Họ có quyền tự chủ với đất đai. Điều đó làm cho nguồn vốn, kỹ thuật và lực lượng lao động ở nông thôn được giải phóng. Việc làm trong nông thôn được tạo ra nhiều hơn, thu nhập của nông dân được nâng cao. Hiện nay, để nông nghiệp phát triển cao hơn cần dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế trang trại. Trên phạm vi cả nước, xu hướng này đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, chính sách tín dụng nông thôn: Vốn là yêu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất nói chung và nông nghiệp nông thôn nói riêng. Đặc biệt nông dân nước ta còn nghèo nên yêu cầu về vốn ngày càng cần thiết. Từ thực tế đó, Nhà nước đã chỉ đạo hình thành mạng lưới tín dụng cho nông dân rộng khắp trên cả nước nhằm cung cấp vốn kịp thời cho nông dân. Hiện nay, một cơ sở kinh doanh được vay đến 500 triệu đồng, hộ gia đình được vay tới 20 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và tạo việc làm. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó, lao động nông thôn có thể mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, tạo việc làm cho bản thân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác trong gia đình, làng xã.
Thứ ba, phát triển nông nghiệp hàng hoá, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp và nông thôn: Thực chất của chính sách này là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và trang trại, phát triển các ngành phi nông nghiệp trong nông thôn. Cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, những năm qua kinh tế hộ và trang trại ngày càng phát triển, nhiều loại cây trồng và con gia súc mới được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khoa học - công nghệ được áp dụng làm cho năng suất cây trồng và vật nuôi ngày càng tăng. Trong khi đó các ngành phi nông nghiệp cũng phát triển mạnh đã giải quyết tốt vấn đề việc làm và thu nhập của nông dân.
Thứ tư, chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Trong những năm qua nước ta đã đưa hàng chục vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chương trình này có ý nghĩa to lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động. Điều đó góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm mới trong nước. Về lâu dài hơn, chương trình cũng tạo ra một đội ngũ công nhân lành nghề do học được kỹ thuật và kinh nghiệm từ các nước mà họ đến làm việc.
Thứ năm, chương trình quốc gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn: Để chính sách giải quyết việc làm đi vào cuộc sống, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chương trình giải quyết việc làm cụ thể như: Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/4/1992 về những chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong những năm tới. Từ chương trình này, nguồn vốn 120 được hình thành từ ngân sách nhà nước, thu từ lao động làm việc ở nước ngoài và từ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Quỹ 120 thực hiện cho vay với lãi suất thấp nhằm tạo việc làm mới, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Với nông nghiệp nông thôn, quỳ hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông lâm ngư nghiệp, mở mang và phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn. Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển nông lâm kết hợp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế bền vững.
Thứ sáu, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956). Trong Quyết định này, Đảng và Nhà nước đã khẳng định: "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn"4. Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: "Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sư nghiêp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiêp, nông thôn."4.
Công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn thực sự là một trong những bước đột phá đáng kể trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Trước đây, người lao động ở nông thôn hầu như không được đào tạo, họ chủ yếu chỉ lao động bằng kinh nghiệm cá nhân, không có nhiều điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nên hiệu quả sản xuất không cao, lao động manh mún, nhỏ lẻ. Ngày nay, nhờ có công tác đào tạo nghề, một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp đã có thể tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một bước đột phá trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở nước ta thời gian qua.
|